Sáng 13-12, tại ga ngầm Bến Thành, hàng trăm người dân đến tham quan và trải nghiệm chuyến tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đây là một trong những chuyến tàu chạy thử lần cuối, trước khi hoạt động chính thức vào ngày 22-12.
Người dân phấn khởi
Nhiều người đã bày tỏ cảm xúc phấn khích khi được trải nghiệm tuyến metro đầu tiên của TP HCM.
Ông Trần Trọng Sỹ (SN 1949, ngụ quận 1) tình cờ tham gia khi đang đi tập thể dục. "Tôi thấy đông người tham quan ga ngầm Bến Thành nên tò mò vào xem. Sau đó, tôi được mời lên tàu đi thử. Cảm giác rất bất ngờ và phấn khích" - ông chia sẻ.
Ồng Sỹ cho hay lúc trước, mỗi lần ra phường An Phú, Thủ Đức thăm con, ông thường chọn đi xe ôm, tốn cả trăm ngàn đồng và mất 30-45 phút mới tới nơi. Nay nếu đi metro, ông chỉ mất 20 phút di chuyển giá vé chỉ khoảng 20.000 đồng/chuyến.
Bà Cao Thị Thu (SN 1969, ngụ quận 12) cùng chồng hào hứng khi lần đầu tiên trong đời được đi metro. Bà Thu bày tỏ: "Tôi tự hào khi được trải nghiệm một dự án mang tính lịch sử của thành phố. Cảm giác ngồi trên tàu rất khác biệt, đặc biệt khi tàu di chuyển từ ga ngầm lên cao".
Chị Phạm Nguyễn Phi Vân (SN 2004, ngụ quận 3) cũng tham gia chuyến tàu thử nghiệm này. Chị Vân bảo: "Tôi từng đi metro ở Thái Lan, Nhật Bản, nhưng cảm giác thật đặc biệt khi được đặt chân lên chuyến metro của thành phố".
Theo chị Vân, metro số 1 có không gian sạch sẽ, thoáng mát, di chuyển nhanh và thuận tiện, bởi lẽ chỉ mất 150.000 đồng/tháng, ngang giá xe buýt nhưng tránh được kẹt xe và khói bụi. Có lẽ đây sẽ là phương tiện giao thông công cộng văn minh, hiện đại người dân trông đợi nhất.
Niềm háo hức của người dân TP HCM không chỉ đến từ sự mới mẻ của loại hình giao thông công cộng hiện đại mà còn từ hành trình hơn 10 năm chờ đợi. Từ giai đoạn khởi công đến những lần trễ hẹn, tuyến metro số 1 đã trải qua không ít khó khăn. Hai tháng qua, khi đoàn tàu bước vào giai đoạn chạy thử toàn tuyến, hình ảnh đoàn tàu màu xanh lăn bánh trên đường ray và tiếng còi hú vào ga càng làm tăng thêm sự háo hức, mong chờ.
Đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị trước ngày vận hành thương mại chính thức cơ bản đã hoàn tất. Theo bà Trịnh Thị Minh Chi, quản lý nhà ga Thủ Đức và Bình Thái, 20 nhân sự tại 2 nhà ga đã được huấn luyện bài bản trong 2 năm qua, sẵn sàng cho việc vận hành thương mại.
Bà Chi khẳng định: "Nhân viên đã nắm vững kiến thức về vận hành máy móc, xử lý hơn 40 kịch bản sự cố và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Họ cũng được huấn luyện các kỹ năng phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động và hỗ trợ khách hàng. Ở các bộ phận như lái tàu, điều hành trung tâm OCC và nhà ga…, nhân viên được huấn luyện kỹ để phối hợp chặt chẽ, bảo đảm không để xảy ra sai sót.
Nhiều loại hình kết nối đã sẵn sàng
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết để bảo đảm kết nối hành khách đến metro 1, sở đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều phương án tích hợp với các loại hình giao thông khác như xe buýt, xe đạp công cộng, xe điện 4 bánh và cả buýt sông.
Theo đó, sẽ có 31 tuyến xe buýt kết nối với metro số 1, gồm 14 tuyến hiện hữu và 17 tuyến buýt điện mở mới. Số tuyến buýt điện mới này dự kiến hoạt động từ ngày 20-12, kết nối các khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trường đại học.
Đến nay, dự án tăng cường khả năng tiếp cận hành khách đến ga metro cũng đã hoàn thành lắp đặt 162 trụ dừng, 61 nhà chờ và 5 bãi giữ xe 2 bánh cho khách đi tàu tại các ga Văn Thánh, Thảo Điền, Bình Thái, Rạch Chiếc và Phước Long. Tại 5 bãi giữ xe này, mỗi bãi rộng từ 800-1.000 m2, hành khách có thể gửi xe máy, ô tô để lên tàu.
Ngoài ra, nhà đầu tư xe đạp công cộng đang sắp xếp lại 45 trạm xe đạp công cộng, bố trí quanh các nhà ga ngầm metro ở quận 1 và trang bị thêm xe đạp gắn động cơ điện nhằm tăng tiện ích cho hành khách. Song song đó, xe điện 4 bánh Buggy sẽ tham gia chở khách đến 3 ga ngầm gồm ga Bến Thành, Nhà hát Thành phố và ga Ba Son với giá vé từ 5.000-10.000 đồng/lượt. Riêng buýt đường sông kết nối hành khách vào nhà ga Ba Son và ga Tân Cảng.
Bên cạnh xe buýt, xe cá nhân, xe đạp công cộng, xe điện, ngay trong chiều 12-12, Công ty TNHH MTV Đường sắt số 1 TP HCM (HURC1) - đơn vị vận hành tuyến metro số 1 và Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) - đã ký kết hợp tác thời hạn 2 năm để đưa loại hình xe công nghệ vào phục vụ.
Theo thỏa thuận, Grab sẽ phối hợp HURC1 xây dựng phương án để hành khách có thể sử dụng phương tiện metro số 1 dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi với hình thức thanh toán linh hoạt. Grab cam kết cung cấp và vận hành các chuyến xe chặng đầu - cuối để hành khách có thể đến/đi từ các trạm ga một cách liền mạch thông qua các dịch vụ GrabCar, GrabBike.
Không mang vật nuôi lên tàu
Metro số 1 có 17 đoàn tàu, mỗi tàu chở tối đa 930 khách, gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng. Hành trình từ các ga đầu Bến Thành đến ga cuối Suối Tiên khoảng 30 phút, bao gồm cả thời gian dừng lại đón khách ở các ga. Trong khung giờ cao điểm từ 6 đến 8 giờ, từ 11 - 12 giờ và từ 15 giờ 30 phút đến 18 giờ, tàu hoạt động 8 phút/chuyến và sử dụng 9 đoàn tàu. Trong các khung giờ còn lại, hoạt động 12 phút/chuyến với 6 đoàn tàu.
Hành lý hành khách mang lên tàu phải đóng gói gọn gàng, kích thước vừa phải, không cản trở lối đi. Không mang vật nuôi lên tàu, không ăn uống, xả rác hoặc mang theo đồ ăn có mùi nặng lên tàu.
Hướng dẫn sử dụng vé điện tử thanh toán khi đi tàu
Công ty HURC1 vừa ban hành kế hoạch sử dụng hệ thống vé điện tử thanh toán không tiền mặt trên tuyến metro số 1, theo 2 giai đoạn.
- Giai đoạn miễn phí 30 ngày (từ ngày 22-12-2024 đến hết ngày 20-1-2025): trong 10 ngày đầu (từ 22-12 đến 31-12-2024), khách đi tàu có thể sử dụng thẻ EMV do tổ chức thẻ Mastercard phát hành để đi tàu. Người dân chưa có thẻ sẽ được phát hành thẻ không định danh hoặc định danh (nếu yêu cầu) để quét thẻ tại các cổng soát vé vào và ra ở các nhà ga. Từ ngày 1-1-2025 đến 9-1-2025, người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé vào và ra ở các nhà ga để lên tàu. Từ ngày 10-1 đến 20-1-2025, người dân sử dụng thẻ ngân hàng, thẻ EMV của các tổ chức trong và ngoài nước, đăng ký thẻ ảo để trải nghiệm metro qua Apple Pay/Samsung Pay hoặc đăng ký tài khoản qua MCMC Metro trên điện thoại và nhận thẻ QR-Code để sử dụng đi tàu.
- Giai đoạn có thu phí (từ ngày 21-1-2025 trở đi): hành khách có thể sử dụng nhiều phương thức thanh toán, gồm: Vé lượt dùng tiền mặt, vé lượt không dùng tiền mặt thông qua việc sử dụng các thẻ EMV quốc tế (Mastercard, VISA, JCB, AMEX, UPI), thẻ nội địa (NAPAS) để quét thẻ tại các cổng soát vé ở các nhà ga. Trường hợp chưa có thể EMV muốn sử dụng vé lượt thanh toán không tiền mặt sẽ được phát hành miễn phí thẻ trả trước không định danh để quét thẻ tại các cổng soát vé.