Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật

Cho vay tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nhưng cần "gạn đục khơi trong" để phát triển minh bạch, lành mạnh

Ngày 20-4, tại tọa đàm "Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật" do Báo Người Lao Động tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển, cần minh bạch, rõ ràng từ 2 phía là bên vay và cho vay. Công ty tài chính khi cho vay phải có hợp đồng cho vay, công khai minh bạch về lãi suất và các phương thức thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm nếu có...

"Nóng" chuyện thu hồi nợ

Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết tín dụng tiêu dùng chiếm tỉ trọng rất lớn trong GDP Việt Nam, khoảng 7% và chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng. Chỉ riêng tại TP HCM, số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh thành phố cho thấy tổng dư nợ tiêu dùng trên địa bàn hiện đạt hơn 933.000 tỉ đồng, trong đó khối các công ty tài chính chiếm khoảng 104.000 tỉ đồng. Nếu tính dân số TP HCM khoảng 9,2 triệu người (thống kê vào năm 2021), bình quân một người dân tiếp cận khoảng 102 triệu đồng. Xét về chi tiêu của đời sống xã hội thì con số này rất thiết thực.

"Bình quân mỗi năm, tăng trưởng cho vay tiêu dùng trên địa bàn đạt khoảng 36%. Đến cuối năm 2022, tỉ trọng dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn chiếm 22% và nhu cầu tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 30%. Đây là nhu cầu lớn và thiết thực, nếu làm đúng sẽ tích cực lan tỏa tới kinh tế" - ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, nhận xét.

Tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam phát triển nhanh gần đây, giới trẻ tìm tới vay tiêu dùng ngày càng nhiều. Tín dụng tiêu dùng trở thành thị trường mà các NH thương mại và công ty tài chính hướng đến. 

Tuy vậy, bà Văn Thái Bảo Nhi, Giám đốc Cấp cao phụ trách xử lý nợ NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nhận định giai đoạn hậu COVID-19, khi khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu có xu hướng tăng. Đối với một số khách hàng không có khả năng trả nợ, NH buộc phải có biện pháp mạnh như khởi kiện ra tòa.

"Dù vậy, quan điểm của NH là thu hồi nợ đúng quy định pháp luật, làm tự thân và không thuê dịch vụ từ bên thứ 3 để xử lý. NH mong muốn trong bất kỳ khó khăn nào vẫn đồng hành với khách hàng" - bà Bảo Nhi cho biết.

Thực tế, thời gian qua, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã phát sinh nhiều tiêu cực, như cho vay lãi suất "cắt cổ"; đòi nợ kiểu "khủng bố", phản cảm; các hội nhóm rủ nhau "bùng nợ". Gần đây, nhiều địa phương đang trong đợt cao điểm kiểm tra hoạt động các công ty tài chính, công ty thu hồi nợ trái luật... Điều này khiến dư luận có cái nhìn không mấy thiện cảm với hoạt động cho vay tiêu dùng, ảnh hưởng đến những đơn vị cho vay chân chính.

Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp... tham gia tọa đàm “Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật” do Báo Người Lao Động tổ chức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần khung pháp lý rõ ràng hơn

Trước thực trạng này, thạc sĩ - luật sư Phạm Văn Đức, Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm, đặt vấn đề các công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng đã thực hiện đúng luật chưa? Khi người vay cung cấp hồ sơ đúng luật, công ty đã thẩm định - cho vay hay không là quyền của công ty tài chính. Khi đã cho vay thì không đòi được là trách nhiệm của họ. Trường hợp người vay sử dụng giấy tờ giả, gian dối để vay là vi phạm pháp luật.

"Thời gian qua, có tình trạng cho vay quá dễ dãi nên khó đòi nợ. Các tổ chức tài chính cần nâng cao nghiệp vụ thẩm định người vay. Điều kiện đầu tiên là tài sản bảo đảm và dòng tiền của người vay nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ" - luật sư Phạm Văn Đức nhìn nhận.

Theo các chuyên gia, thị trường mua bán nợ vay tiêu dùng chưa phát triển tương xứng đã ít nhiều khiến lĩnh vực này kém bền vững. Ông Ngô Xuân Duy, Giám đốc Pháp chế Công ty Mua bán nợ Việt Nam quốc tế, cho biết những DN như công ty ông đang hoạt động thiếu khung pháp lý. Thông tư 43/2016 và Thông tư 18/2019 quy định về cho vay tiêu dùng của NHNN chỉ điều chỉnh trực tiếp với công ty tài chính tín dụng; còn các công ty mua bán nợ thì chưa có.

"Cần có khung pháp lý rõ ràng hơn, có thể điều chỉnh với các công ty mua bán nợ thay vì chỉ tổ chức tín dụng. Chúng tôi khá phân vân về việc gọi điện nhắc nợ như thế nào là đúng. Công ty cũng khởi kiện tại tòa án đối với khách hàng chây ì trả nợ nhưng trong quá trình làm việc cũng khó khăn. Cơ quan tố tụng chưa có cái nhìn thiện cảm với phân khúc này. Các công ty mua bán nợ phải giải trình khá nhiều dù họ khởi kiện theo đúng quy định" - ông Duy nêu thực trạng.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết từ năm 2019 đã có quy định cho phép mua bán nợ. Theo đó, DN được quyền bán nợ nhưng đơn vị mua nợ phải hoạt động hợp pháp. Nay, NHNN cần bổ sung quy định để tín dụng tiêu dùng minh bạch, rõ ràng hơn. Cụ thể, DN muốn hoạt động phải có giấy phép và hợp đồng vay cần bổ sung giấy phép do NHNN cấp. Việc tự giới thiệu của các công ty cũng giúp người tiêu dùng tiếp cận tài chính tiêu dùng chính thức một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, cho rằng Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tư pháp thành phố cần rà soát lại tính pháp lý, nội dung hoạt động, việc cấp giấy phép cho các công ty, văn phòng luật, công ty thực hiện mua bán và thu hồi nợ nhằm hạn chế những bất cập trong cho vay và thu hồi nợ. 

Cùng nhau vì một xã hội tốt đẹp hơn

Phát biểu tại tọa đàm, TS - nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết thời gian qua, Báo Người Lao Động luôn chú trọng thông tin, tuyên truyền về tín dụng tiêu dùng. Báo cũng đã tổ chức tọa đàm "Giải quyết tín dụng đen như thế nào?" nhằm tạo ra tiếng nói cộng đồng để các cơ quan chức năng, kể cả người dân, nhận thức rõ vấn đề, từ đó cùng nhau xây dựng một môi trường tài chính lành mạnh.

Khi bớt đi những hoàn cảnh khó khăn bị đẩy vào đường cùng do tín dụng đen thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Khi đó, hoa thơm trái ngọt và vẻ đẹp của cuộc sống nhân văn sẽ ngày càng lan tỏa.

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/cho-vay-va-thu-hoi-no-dung-phap-luat-a100106.html