Hai dự án Luật liên quan đến giao thông đường bộ: Tránh quyền anh quyền tôi

Lĩnh vực giao thông đường bộ là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành, nhiều người bởi vậy Quốc hội đã dành gần trọn ngày làm việc 16/11/2020 để thảo luận dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Ý kiến chung của nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn là việc cùng lúc có hai luật cùng liên quan đến giao thông đường bộ là không cần thiết do đây là hai mảng có nhiều đối tượng, phạm vi điều chỉnh cũng như trùng lắp về các quy định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nêu rằng xu hướng chung là “pháp điển hóa” tức là tích hợp lại thành một luật dễ thực hiện cũng như thuận lợi cho chấp hành và xử lý. “Chúng ta không nên đi ngược lại xu hướng này. Lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông cũng chưa bức thiết đến độ phải ban hành luật theo theo quy trình rút ngắn như Luật bảo đảm an toàn giao thông đường bộ”.

Đại biểu Quốc hội: Nên có Bộ luật giao thông đường bộ
Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 16/11

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cảnh báo, thêm luật có thể thêm thủ tục hành chính, rồi đến tình trạng “quyền anh quyền tôi”. Theo đại biểu, giao thông đường bộ là chỉnh thể, tách ra là vi phạm các nguyên lý pháp lý.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu, nếu phân tách luật thì hệ quả Luật Giao thông đường bộ không còn đúng nghĩa. An toàn giao thông là mục đích chứ không phải đối tượng điều chỉnh; quy tắc an toàn giao thông không chỉ yêu cầu ở con người, mà còn về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông… Đại biểu nhấn mạnh, khi thiết kế hạ tầng giao thông thì yếu tố đầu tiên và trên hết vẫn là an toàn.

Đại biểu Cao Văn Trọng (Bến Tre) cho rằng, thay vì phân tách giao thông đường bộ thành hai luật thì nên quy định chung trong Luật Giao thông đường bộ sẽ hợp lý hơn. Đại biểu cho rằng, nếu phân tách luật thì sẽ có nhiều nội dung giao thoa, trùng nhau.

“Nếu không làm rõ trong quy định chung thì việc xử lý quy tắc giao thông đường bộ cũng sẽ gây sự khó hiểu, chồng chéo”, đại biểu nói.

Một số đại biểu trong đó có đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng không cần phải tách riêng quy định về an toàn giao thông đường bộ trong Luật giao thông đường bộ để xây dựng thành luật riêng mà nâng lên thành Bộ luật giao thông đường bộ.

Tranh luận về việc nên có một hay hai luật liên quan đến giao thông đường bộ và an toàn giao thông đường bộ tại nghị trường sôi nổi đến độ gần cuối phiên thảo luận sáng, có đại biểu đề xuất Quốc hội lấy ngay ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này rồi mới tiến hành phiên thảo luận buổi chiều.

Phát biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng việc thảo luận dự án Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ vẫn cần được tiến hành như chương trình kỳ họp đã được các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua.

Kết thúc thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ trong vai trò điều hành phiên thảo luận cho rằng, việc phân tách thành hai luật là vấn đề rất lớn. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội sau khi thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chiều 16/11/2020”- Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nói.

Lộc - Dũng

Tin mới hơn

[Infographics] RCEP – Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới [Infographics] RCEP – Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới

Tin cũ hơn

Quốc hội thông qua nhiều dự án luật trong chương trình kỳ họp thứ 10 ASEAN BIS 2020: Hướng tới phát triển nhanh, bền vững và bao trùm Đại biểu Quốc hội đề xuất chế tài người sử dụng ma túy trái phép ASEAN 37: Tiếp tục khẳng định bản lĩnh ASEAN, vượt qua sóng gió thời cuộc Việt Nam lần đầu tiên có nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Chính thức khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 Quốc hội miễn nhiệm và thảo luận bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng, trưởng ngành Chính thức thông qua Luật Biên phòng Việt Nam
[Xem thêm]

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/hai-du-an-luat-lien-quan-den-giao-thong-duong-bo-tranh-quyen-anh-quyen-toi-a10487.html