Thế nào là “Sống An Tâm”
“Sống An Tâm” tự bản thân nó đã bao gồm 2 phần là An và Tâm. Việc đầu tiên cần xác định được tâm thức người chủ nhà đang đặt ở đâu rồi từ đó mới có thể giúp họ an. Về phần tâm thức trong nhà ở gồm 3 phần là vật chất (chú trọng đến sự đủ đầy, tiện nghi,...), cảm xúc (xấu, đẹp, sang, xịn, mịn,...), sinh mạng (chắc chắn, an toàn,...).
3 yếu tố tối quan trọng tác động trực tiếp sức khỏe con người trong bất cứ một ngôi nhà nào là không khí, nguồn nước và ánh sáng. Kế đến là hình dáng kiến trúc, vật liệu, màu sắc,...
Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của cách con người cảm nhận thế giới xung quanh trong cuộc sống hàng ngày. Từ y học cổ điển đến những phát hiện khoa học hiện đại gần đây đã thể hiện rằng tâm trí, cảm xúc và trạng thái tinh thần của chúng ta đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi môi trường sống.
Các nghiên cứu về giác quan con người đã đưa ra những khám phá tuyệt vời về cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh. Những nhà nghiên cứu vĩ đại như Georg von Békésy, George Wald, Richards Axel, Linda Buck, Roderick MacKinnon, Peter Agre, David Julius và Ardem Patapoutian đã khám phá sâu sắc về cảm quan của con người. Họ giúp chúng ta hiểu hơn về thính giác, thị giác, khứu giác và cách cảm nhận thế giới.
Ngoài ra, những nghiên cứu khoa học đã khẳng định tác động tích cực của ánh sáng mặt trời, giúp não sản xuất hormone Serotonin, loại hormone giúp chúng ta tập trung và duy trì tinh thần bình tĩnh.
Sự sạch sẽ và gọn gàng của không gian sống cũng giúp đầu óc tránh khỏi căng thẳng, giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và thư giãn. Cuối cùng, thiên nhiên là nguồn cảm hứng vĩ đại, giúp con người giảm cảm xúc tiêu cực, tránh các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, cáu kỉnh, mất ngủ, đau đầu và căng thẳng.
Những vấn đề gặp phải của nơi an cư
Nhìn vào cuộc sống hiện nay, có thể thấy nhiều ngôi nhà xây trên diện tích hẹp, đông đúc, dẫn đến thiết kế không thoáng đãng. Những ngôi nhà chật chội, không có không gian để đối lưu không khí, khiến không khí bên trong trở nên nặng nề và ngột ngạt. Ngay cả ánh sáng tự nhiên cũng thường bị kìm hãm, làm cho mọi góc nhà trở nên tối tăm, tác động tiêu cực đến tâm trạng và sức khỏe của chúng ta.
Hơn nữa, với việc tăng cường nồng độ bụi mịn PM2.5, cuộc sống của chúng ta trở nên mệt mỏi và không an toàn. Hà Nội, ví dụ, đang phải đối mặt với một lượng người nhập viện tăng lên vì các bệnh tim mạch và hô hấp. Cuộc sống trở nên khó khăn và nhiều thách thức.
Giải pháp trong thiết kế ngôi nhà
Như vậy, để đạt được cuộc sống an tâm, chúng ta cần chú trọng đến cách tạo ra môi trường sống tích cực cho tâm hồn và sức khỏe của mình, bằng cách tận dụng kiến thức khoa học và sáng tạo trong thiết kế ngôi nhà của mình.
Tất cả mọi không gian trong ngôi nhà luôn cần được thông thoáng, trao đổi khí giữa trong và ngoài. Đặc biệt là khu vực bếp và phòng ngủ, kể cả nhà vệ sinh. Máy lọc khí là thiết bị nên cân nhắc trang bị vì nồng độ PM2/5 tại Tp.HCM hiện cao gấp 10.9 lần, Hà Nội là 5.9 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Đảm bảo nguồn nước sạch. Có thể tham khảo máy lọc nước ion kiềm của Nhật. Bản thân người viết bị trào ngược dạ dày lâu năm đã khỏi hẳn khi sử dụng máy này.
Ánh sáng tự nhiên nên được đưa đến tất cả mọi không gian. Có thể sống trong 1 không gian nhỏ nhưng không nên thiếu không khí và ánh sáng. Đặc biệt là khu vực học tập của trẻ nhỏ và khu vực làm việc.
Một số người chọn giải pháp đưa cây xanh vào nhà nên có sự tư vấn của các chuyên gia cảnh quan. Rất nhiều cây không phù hợp với sức khỏe con người nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng có cây là tốt rồi. Bên cạnh đó, cần phân biệt được cây đang sống, đang phát triển hay cây chỉ trong tình trạng “tồn tại”. Cây đang sống, phát triển là cây đang trong tình trạng sống của nó bao gồm không khí tươi, đất, nước và ánh sáng. Thiên nhiên là vậy, con người cũng nên như vậy.