Anh Nguyễn Tiến Tùng (ngụ quận 3, TP HCM) vẫn thường cùng bạn bè đến dạo mát, chụp hình tại cầu Mống (nối quận 1 với quận 4) vì nằm ngay trung tâm thành phố, không gian thoáng mát với tầm nhìn ra rạch Bến Nghé và những tòa nhà hiện đại.
"Đến đây mình có thể đi bộ, hóng mát, ngắm nhìn thành phố và chụp được nhiều tấm hình rất đẹp" - anh Tùng nói.
Im lìm khi đêm xuốngTuy nhiên, nếu ban ngày người dân đến cầu Mống dạo chơi, chụp hình nhiều thì ban đêm, bên dưới cầu Mống chỉ được chiếu sáng để phục vụ cho giao thông thủy. Phía trên cầu, chỉ có ánh đèn vàng yếu ớt, nhợt nhạt. Cạnh cầu Mống (phía quận 1) có một công viên nhỏ với nhiều cây xanh, ghế đá, thiết bị tập thể dục nhưng cũng chỉ được chiếu sáng từ các cột đèn đường.
Từ cầu Mống di chuyển theo đường Võ Văn Kiệt thêm một đoạn ngắn sang đường Tôn Đức Thắng (quận 1). Ngoài ánh sáng từ hệ thống đèn đường, khu vực này gây ấn tượng bởi ánh sáng lung linh từ các công trình như Cột cờ Thủ Ngữ, Công viên Bến Bạch Đằng, Công trường Mê Linh… nên luôn tấp nập người dân đến vui chơi.
Trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, đoạn trước Nhà Thiếu nhi TP HCM) luôn rực rỡ bởi hệ thống đèn màu và hàng chục màn hình LED quảng cáo. Trong khi đó, Nhà Thiếu nhi TP HCM vẫn im lìm mỗi khi đêm xuống. Tượng "Bác Hồ với thiếu nhi" nằm trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi TP HCM được chiếu sáng bởi ánh đèn vàng mờ nhạt. Công trình Nhà Thiếu nhi TP HCM được đánh giá có thiết kế độc đáo, hiện đại nhưng 4 mặt đều không có đèn.
Tháng 9-2023, UBND TP HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án chiếu sáng nghệ thuật theo Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị TP HCM, giai đoạn 2020 - 2030 đối với các công trình kiến trúc như chợ Bến Thành, cầu Mống, Nhà Thiếu nhi TP HCM, Bảo tàng TP HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng… và nhiều công trình khác. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (UICI) được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án chiếu sáng kiến trúc các công trình bảo tồn.
Tạo diện mạo mới cho thành phố
Theo đại diện lãnh đạo UICI, trước mắt, đơn vị sẽ thực hiện chiếu sáng cho 3 công trình: cầu Mống, Nhà thiếu nhi TP HCM, Bảo tàng TP HCM.
Hiện UICI đã triển khai thực hiện công tác khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án, đưa ra những ý tưởng thiết kế chiếu sáng cho công trình cầu Mống, Nhà Thiếu nhi TP HCM và Bảo tàng TP HCM. Đơn vị cũng đã trình Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào đầu tháng 12-2023. Sở Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị thụ hưởng, chính quyền địa phương và Hội Kiến trúc sư, Hội Mỹ thuật của TP HCM.
Về ý tưởng, đại diện lãnh đạo UICI cho biết cầu Mống sẽ được chiếu sáng bởi đèn điều khiển đổi màu RGBW DMX 512 kết hợp với đèn đơn sắc ánh sáng trắng và vàng nhằm làm rõ kết cấu khung thép gầm cầu, làm nổi bật phần lan can hình con tiện, khắc họa các hình khối. Cạnh đó là chiếu sáng lối đi dạo bộ trên cầu bằng ánh sáng hắt từ thành lan can sắt của cầu. Đồng thời, đưa công trình hòa mình vào bối cảnh xung quanh, kết hợp với cụm các công trình cầu Khánh Hội, Bến Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ, Công viên Bến Bạch Đằng tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa thẩm mỹ.
Nhà Thiếu nhi TP HCM cũng sẽ được chiếu sáng theo các hướng xung quanh tòa nhà, trong đó tập trung cho hướng nhìn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (hướng nhìn chính vào tượng Bác Hồ và thiếu nhi). Các đường viền, hoa văn đắp nổi ở đầu vòm và đỉnh cột, các phù điêu, mái ngói, khu vực tượng Bác Hồ và thiếu nhi, cảnh quan và khuôn viên hai bên hướng nhìn chính… cũng sẽ được chiếu sáng.
Tương tự, Bảo tàng TP HCM sẽ được chiếu sáng các hướng xung quanh, hoa văn đắp nổi ở đầu vòm và đỉnh cột, các phù điêu, hành lang, mái ngói. Màu sử dụng trong dự án này là ánh sáng đơn sắc.
UICI hiện đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm dự án được duyệt đầu năm 2024 để kịp thời bố trí vốn và triển khai những giai đoạn tiếp theo. Dự kiến sau khi dự án được duyệt, UICI sẽ tiến hành các bước lập thiết kế bản vẽ thi công và lắp đặt chiếu sáng tại 3 công trình trên, bảo đảm đúng tiến độ đến năm 2025 sẽ kết thúc.
"Dự án chiếu sáng kiến trúc các công trình bảo tồn là dự án đầu tiên mà UICI triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ chiếu sáng đô thị được UBND TP HCM ban hành. Khi dự án được triển khai thành công sẽ tiến tới đề xuất triển khai các giai đoạn tiếp theo trong quy hoạch chiếu sáng ven sông Sài Gòn, góp phần làm diện mạo TP HCM trở nên hiện đại hơn, thu hút các hoạt động giải trí về đêm và tạo ấn tượng đẹp cho du khách trong và ngoài nước" - đại diện UICI cho biết.
Nguồn đầu tư từ ngân sách
Theo UBND TP HCM, mục tiêu của việc chiếu sáng kiến trúc các công trình bảo tồn là để tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị, cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực; phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giáo dục cho người dân. Đồng thời quảng bá hình ảnh, nét đẹp các công trình kiến trúc cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tổng mức đầu tư để chiếu sáng cho 3 công trình cầu Mống, Nhà Thiếu nhi TP HCM và Bảo tàng TP HCM là 50 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.