Cần hành động ngay để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống

Theo chuyên gia Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai (sửa đổi) có hàng trăm điểm mới và sơ bộ có 65 điều khoản cần có Nghị định thi hành, Chính phủ cần hành động ngay để đưa Luật vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả nhất.

Thông tin với báo chí sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu mong muốn Chính phủ cần sớm có kế hoạch triển khai thi hành luật, trong đó xác định việc soạn thảo, ban hành sớm các Nghị định hướng dẫn thi hành là điều kiện tiên quyết để bảo đảm luật sớm đi vào cuộc sống.

Theo ông Hiếu, sở dĩ việc chuẩn bị các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành là rất cần thiết bởi Luật Đất đai (sửa đổi) có hàng trăm điểm mới với 5 nhóm vấn đề mới rất quan trọng.

Thứ nhất là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất; nhóm này có rất nhiều quy định, có nội dung được thảo luận nhiều như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng có gốc là công dân Việt Nam; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai là các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, điều 79 (thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) được thiết kế thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này đã được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ điều 54 của Hiến pháp về việc chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết.

Thứ ba là các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ví dụ các nội dung như: đất sử dụng đa mục đích, giới hạn khi chuyển mục đích sử dụng đất đã thu hẹp lại trường hợp phải xin phép, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp...

Thứ tư là các quy định về tài chính đất đai, trong đó đã tách bạch vấn đề định giá đất, bảng giá đất, ổn định tiền thuê đất, doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm.

Thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước về sử dụng đất đai. Trong đó đã yêu cầu cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Nói rõ thêm 1 số điểm của Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Đức Hiếu cho biết, điều 138 của luật có quy định xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014.

Trong điều 138 này có quy định một số nguyên tắc cơ bản, giao Chính phủ quy định chi tiết. Với tính chất của Luật Đất đai không thể quy định chi tiết hơn nữa trong luật. Do đó, phải giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết từng trường hợp, từng thời điểm, hồ sơ, giấy tờ...

Đáng chú ý, theo ông Phan Đức Hiếu, thống kê sơ bộ hiện có khoảng 65 điều khoản trong Luật Đất đai (sửa đổi) giao Chính phủ quy định chi tiết , do đó Chính phủ cần sớm có kế hoạch, lộ trình ban hành các nghị định để hướng dẫn thi hành các điều khoản này đảm bảo kịp tiến độ Luật có hiệu lực vào năm 2025.

Liên quan đến việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết việc Quốc hội thông qua bộ Luật quy mô 16 chương và 260 điều là một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, về dự án Luật Đất đai sửa đổi, với những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được đồng thuận thì không có lý do gì không thông qua. Nếu để đến tháng 5 (kỳ họp thứ 7) mới thông qua dự án luật sẽ làm chậm sự phát triển, nhất là quản trị quốc gia liên quan đến lĩnh vực này.

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/can-hanh-dong-ngay-de-dua-luat-dat-dai-sua-doi-vao-cuoc-song-a109799.html