Ông Nguyễn Xuân Lương (68 tuổi, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) vừa có đơn gửi báo Tiền Phong và các cơ quan chức năng liên quan của huyện Hòa Vang về việc đền bù giải phóng mặt bằng đất làm dự án tái định cư tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.
Theo nội dung phản ánh, gia đình ông Lương trước đây có nhận chuyển nhượng thửa đất số 324, tờ bản đồ số 34 có diện tích 3.238 m2 tại thôn Đông Lâm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang).
Tháng 9/2021, gia đình ông nhận được văn bản về việc thông báo thu hồi đất thực hiện dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến đường Vành đai phía Tây tại xã Hòa Phú. Theo đó, trong các văn bản thông báo của chính quyền địa phương, gia đình ông có diện tích đo đạc là 2.900 m2, dự án sẽ thu hồi 2.650 m2.
Do gia đình ông khiếu nại, đến tháng 6/2023, Ban GPMB huyện có thông báo chấp nhận điều chỉnh số liệu đền bù giải phóng mặt bằng, đồng ý tổng diện tích đất của gia đình ông là 3.238 m2 và sẽ thu hồi 2.980 m2. Tuy nhiên, phía gia đình không chấp nhận việc điều chỉnh không rõ căn cứ này.
Theo ông Lương, từ năm 2018, gia đình đã trồng cây, bỏ công chăm sóc. Tuy nhiên, giá trị đền bù dự tính chỉ ở mức 157 triệu đồng. Đây là mức giá quá thấp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của gia đình ông.
Mặc dù vậy, khi gia đình ông Lương và cơ quan chức năng huyện Hòa Vang chưa đạt được thống nhất liên quan đến khu đất phải giải tỏa, thì đến tháng 3/2023 gia đình phát hiện đơn vị thi công đã tự ý san ủi khoảng 80% diện tích đất. Các cây trồng của gia đình ông trên đất cũng bị san ủi. Ranh giới, mốc giới lô đất cũng đã không còn.
Trách nhiệm của ai?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Ban GPMB huyện Hòa Vang cho biết: Đây là vụ việc Ban đã chuẩn bị hồ sơ để hầu tòa nếu người dân khiếu kiện.
Hiện tại, Ban chưa bàn giao mặt bằng của hồ sơ thửa đất số 324 đến Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) và đơn vị thi công. Việc đơn vị thi công tự ý san ủi mặt bằng khi chưa đền bù, Hội đồng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư dự án đã yêu cầu Ban quản lý dự án phối hợp với các đơn vị liên quan liên hệ với người dân để phục dựng lại mốc giới theo tọa độ, hiện trạng đo đạc ban đầu.
“Việc tự ý san ủi đất của người dân là sai. Trách nhiệm này thuộc về đơn vị thi công”, đại diện Ban GPMB huyện Hòa Vang cho biết.
Trong văn bản giải trình gửi cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang, Cty CP Trường Sơn 532 (đơn vị thi công dự án Khu tái định cư Hòa Phú ) cho biết, trong quá trình thi công hạng mục đường giao thông và hệ thống thoát nước vỉa hè của dự án, nhà thầu cử đội phó phụ trách thi công trực tiếp liên hệ với ông Lương để xin thi công trước tại vị trí vướng mặt bằng và được ông Lương đồng ý.
Quá trình thi công diễn ra vào tháng 3/2023, đến tháng 4/2023, đơn vị thi công nhận được thông báo của UBND xã Hòa Phú về việc phục dựng mốc giới thu hồi đất đối với thửa đất của ông Lương.
“ Đơn vị thi công hoàn toàn chịu trách nhiệm về các sai sót của mình trong việc làm thay đổi hiện trạng ban đầu của thửa đất gia đình. Rất mong gia đình tạo điều kiện bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, bàn giao các lô đất còn lại đang vướng mặt bằng cho các hộ dân đang nợ đất thực tế”, văn bản của Cty Trường Sơn 532 cho biết. Tuy nhiên, đơn vị thi công không đề cập đến việc xử lý, khắc phục hậu quả cho người dân.
Theo gia đình ông Lương, đơn vị thi công không liên hệ với gia đình. Việc cơ quan chức năng đổ lỗi cho đơn vị thi công là chưa thỏa đáng, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương trong việc theo dõi, giám sát quá trình thực hiện dự án.
Ông Lương cũng cho biết: Việc lấy đất của người dân để làm dự án tái định cư đã làm sai quy trình nhưng người dân kiến nghị tạo điều kiện làm thủ tục chuyển đổi đất ở cho phần diện tích còn lại vì không thể sản xuất thì không được quan tâm…