Làm sao để tránh bẫy nợ thẻ tín dụng?

Vụ chủ thẻ tín dụng được cho là chỉ xài 8,5 triệu đồng nhưng sau 11 năm bị ngân hàng đòi nợ 8,8 tỉ đồng khiến nhiều người không khỏi bị sốc.

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT

Những năm gần đây, số lượng

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đang yêu cầu Eximbank báo cáo sự việc liên quan thẻ tín dụng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Hiểu đúng về quy định miễn lãi 45 ngày

Thẻ tín dụng là loại thẻ "xài trước trả sau", thời gian miễn lãi thông thường là từ 45 đến 55 ngày (tùy loại thẻ). Tuy nhiên, có phải bất kỳ khoản thanh toán nào cũng được miễn lãi 45 ngày hay không?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các ngân hàng đều công bố miễn lãi cho chủ thẻ 45-55 ngày, thậm chí 60 ngày nhưng nếu "cà" thẻ ngay đúng ngày kết sổ, thời gian miễn lãi chỉ còn 15 ngày. Nếu cà sau ngày kết sổ một ngày thì thời gian miễn lãi mới được tối đa 45 ngày. Tuy nhiên, nhiều người không biết điều này và cứ đinh ninh ngân hàng miễn lãi 45 ngày kể từ ngày cà thẻ, dẫn đến bị quá hạn thanh toán.

Một chuyên gia cho biết hiện nhiều ngân hàng quy định hai cách thanh toán với thẻ tín dụng: thanh toán toàn bộ hoặc thanh toán một phần. Trong trường hợp chủ thẻ đăng ký thanh toán toàn bộ hạn mức thì nếu nợ lại dù chỉ 1.000 đồng cũng bị xem là còn nợ và khi đó ngân hàng sẽ tính lãi trên toàn bộ dư nợ kể từ ngày cà thẻ.

Ngoài lãi, chủ thẻ còn chịu phí phạt trả nợ trước hạn với mức rất cao vì xem như chủ thẻ không giữ đúng cam kết với ngân hàng.

Trên thực tế, nếu biết cách sử dụng, khách hàng lợi rất nhiều khi dùng thẻ tín dụng. Thay vì phải dùng tiền mặt thanh toán ngay khi mua hàng hóa, dịch vụ thì người dùng có thể cà thẻ, số tiền thay vì phải thanh toán có thể đem gửi tại ngân hàng vẫn được hưởng lãi. Ngoài ra còn được hưởng ưu đãi, tích điểm, đổi dặm bay, sử dụng phòng chờ...

"Để không bị trễ hạn thanh toán, khi làm thẻ, chủ thẻ phải hỏi rõ ngày chốt sổ đồng thời theo dõi sao kê và tin nhắn thông báo từ các ngân hàng để tránh bị phạt do trễ hạn thanh toán. Ngoài ra, chủ thẻ có thể đăng ký trích nợ tự động để không bị trễ hạn.

Tuy nhiên với trường hợp trích nợ tự động, chủ thẻ nên lưu ý duy trì số tiền lớn hơn một chút so với số phải thanh toán, tránh trường hợp không đủ số dư dẫn đến trễ hạn", giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng khuyến cáo.

Người dân đã quen dần với việc thanh toán bằng thẻ tín dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân đã quen dần với việc thanh toán bằng thẻ tín dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu thành 8,8 tỉ:

Cần phải mời công an vào cuộc

Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan vụ dư nợ từ 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỉ đồng sau 11 năm tại Eximbank, ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết cần phải làm rõ một số vấn đề bởi khách hàng cho biết không hề nhận được thẻ tín dụng và không hề chi tiêu bằng thẻ này.

"Quan điểm của tôi là cần mời cơ quan công an vào cuộc để làm rõ có việc lừa đảo, chiếm đoạt hay không? Nếu quả thật khách hàng không nhận thẻ mà thẻ vẫn được sử dụng 8,5 triệu đồng rồi thì tiền nợ không cần lên đến vài tỉ đồng mà một đồng cũng là có chuyện. Như vậy có người đã lợi dụng, sử dụng thẻ này, và người đó là ai thì ngân hàng cần phải tìm cho ra" - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, ngân hàng cần kiểm tra toàn bộ quy trình giao nhận thẻ cho khách hàng, vậy có chứng minh được khách hàng đã nhận thẻ? Trường hợp không chứng minh được họ nhận thì ngân hàng phải có trách nhiệm trong việc này.

Còn trường hợp ngân hàng có đầy đủ bằng chứng, xuất trình đầy đủ giấy tờ mà khách hàng ký nhận thẻ, giám định chữ ký không đúng của khách hàng thì cần chuyển hồ sơ sang công an vì đây là có dấu hiệu lừa đảo.

Nếu ngân hàng chứng minh khách hàng đã nhận thẻ và đang có dư nợ tại ngân hàng thì đây là tranh chấp dân sự giữa hai bên. Tòa án sẽ là cơ quan phân xử ai đúng ai sai.

Giải đáp thắc mắc của nhiều người về việc số tiền nợ lãi quá lớn so với nợ gốc, ông Tuấn cho biết mức lãi suất cho vay bao nhiêu là thỏa thuận giữa người đi vay là khách hàng và người cho vay là ngân hàng.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước yêu cầu báo cáo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh cho biết đơn vị này đang yêu cầu Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo liên quan thông tin vụ việc nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên hơn 8,8 tỉ đồng sau gần 11 năm gây xôn xao dư luận.

Theo vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, hiện nay Eximbank Quảng Ninh đang chờ hội sở của Eximbank tại TP.HCM hỗ trợ các thông tin liên quan khách hàng trên cũng như quá trình phát sinh dư nợ để tổng hợp, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh.

Lý do là bởi khách hàng trên vay nợ từ Eximbank Quảng Ninh nhưng những khoản nợ xấu không phải chi nhánh tại Quảng Ninh quản lý, mà do hội sở trực tiếp quản lý.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông P.H.A. - khách hàng được Eximbank thông báo là có dư nợ nói trên với ngân hàng này - cho biết đã thuê luật sư để giúp ông giải quyết vụ việc này.

"Tôi mong muốn cùng với Eximbank trao đổi, tháo gỡ để giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt với cách rất thiện chí. Tuy nhiên, nhiều lần hai bên làm việc, lần gần đây nhất là năm 2022, nhưng cả hai bên không tìm được tiếng nói chung. Nên lần này tôi sẽ nhờ luật sư hỗ trợ" - ông A. cho biết.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia tài chính kinh tế):

Hệ thống ngân hàng quá máy móc, cứng nhắc?

Qua câu chuyện tại Eximbank Quảng Ninh, có nhiều bài học lớn để các ngân hàng và người dùng thẻ có thể nhìn vào.

Trước hết, để món nợ phát sinh và kéo dài 11 năm mà không được xử lý triệt để. Liệu hệ thống quản lý của ngân hàng có quá máy móc, cứng nhắc?

Thông thường quy định nội bộ bắt buộc các trường hợp nợ quá hạn đều ký thông báo, ký theo số hệ thống, sai sẽ bị lỗi nên cán bộ cứ thế ban hành thông báo nợ mà không có bất kỳ sự hướng dẫn ngoại lệ nào.

Nếu thông báo nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi thì ngân hàng có thể đơn phương hủy thẻ, không để phát sinh dư nợ tiếp. Đa số ngân hàng sẽ tiến hành chuyển nhóm nợ khi quá hạn, trích lập dự phòng, theo dõi ngoại bảng, đặc biệt với khoản nợ nhỏ chỉ vài triệu đồng thì càng không để nó gánh thêm nhiều chi phí nữa.

Về góc độ người tiêu dùng, tôi cho rằng nếu thực sự có nhu cầu thì hãy mở thẻ. Cách đây rất lâu, một người hỏi tôi "Ngân hàng tự nhiên cho vay sẵn cả trăm triệu, xài 40 ngày không lãi mà vì sao anh không mở?".

Nhưng quay lại câu hỏi, mở để làm gì, nếu không có nhu cầu? Việc xài thẻ tín dụng rất phổ biến hiện nay và tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ trong mua sắm vì "tiêu trước trả sau". Từ đó cũng xuất hiện việc tiêu xài hơn mức cần thiết và quá khả năng chi trả. Nếu không tính toán, có thể rơi vào bẫy tiêu dùng, bẫy nợ.

Vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu lên 8,8 tỉ đồng: Khách hàng nói mình là bị hại, chưa hề rút tiền xàiVụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu lên 8,8 tỉ đồng: Khách hàng nói mình là bị hại, chưa hề rút tiền xài

Ngân hàng cho rằng đã làm đầy đủ thủ tục thông báo với khách hàng theo quy định. Khách hàng thì cho rằng mình cũng là bị hại trong vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu thành 8,8 tỉ đồng.

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/lam-sao-de-tranh-bay-no-the-tin-dung-a111280.html