Trong toàn bộ các thương hiệu xe có quy mô toàn cầu hiện tại, Toyota là thương hiệu có đội hình "dàn trải" và bao quát nhất. Tới thời điểm hiện tại, họ vẫn tin tưởng vào một tương lai nơi xe sử dụng năng lượng hoặc nhiên liệu thay thế xăng/dầu tới từ nhiều phân khúc chứ không chỉ đơn thuần là xe điện.
Trong các giải pháp thay thế ngoài xe điện, xe chạy nhiên liệu hydro là phương án được nhiều hãng xe còn nhắm tới nhất như Hyundai, Honda hay BMW. Tuy vậy, hãng xe "tất tay" cho xe chạy nhiên liệu hydro chỉ có một mình Toyota khi hãng vẫn đầu tư lớn để mở rộng quy mô mảng này.
Vào tháng 4 vừa qua, Toyota vừa mở cửa cơ sở sản xuất mới cho mảng xe chạy nhiên liệu hydro đặt tại Port of Long Beach, California, Mỹ. Cơ sở này vừa là nơi tập trung nhân lực phục vụ mảng xe chạy nhiên liệu hydro, vừa là nơi xử lý khí gas sinh học để sản xuất nước, điện tái tạo và nhiên liệu hydro.
Có khoảng 200.000 xe Toyota và Lexus sẽ đi qua cơ sở này hàng năm với một số thường xuyên hơn nhóm khác, chẳng hạn Mirai FCV chuyên chạy nhiên liệu hydro.
Ngoài cơ sở trên, Toyota cũng biến Trung tâm nghiên cứu và phát triển của mình tại Mỹ thành tổng hành dinh xe chạy nhiên liệu hydro - nơi sẽ phát triển công nghệ pin hydro đời mới cho hãng.
Toyota thừa nhận xe chạy nhiên liệu hydro vẫn còn phải đối diện với mặt hạn chế lớn nhất là ít trạm bơm nhiên liệu do chi phí cao. Dù vậy, họ vẫn đặt trọn niềm tin vào dòng xe này và tin tưởng đây sẽ là lựa chọn ưu việt trong tương lai khi cơ sở hạ tầng phục vụ bắt đầu có độ phủ tốt hơn.
Phương tiện chạy nhiên liệu hydro trên thế giưới có độ phủ khá đa dạng từ ô tô, tàu hỏa, tên lửa cho tới tàu vũ trụ. Ưu điểm của loại nhiên liệu này là không xả thải có hại khi vận hành, tầm vận hành tốt và bơm nhiên liệu nhanh.
Tuy vậy, hạn chế của nhiên liệu hydro cũng không ít. Ngoài cơ sở hạ tầng còn ít như nhắc tới phía trên, công nghệ xoay quanh loại nhiên liệu này vẫn chưa phát triển nhiều. Công đoạn sản xuất nhiên liệu hydro hàng loạt hiện tại vẫn sinh khí CO2 trong khi các quy trình sản xuất tân tiến hơn như điện phân nước vừa tốn kém, vừa cho sản lượng thấp hơn.
Thêm vào đó, chi phí năng lượng cao trong sản xuất, khó bảo quản, cần độ an toàn cao trong lưu trữ và tác hại tiêu cực khi rò rỉ ra môi trường (khí hydro làm nóng lên toàn cầu nhanh hơn khí CO2 tới 11,6 lần) vẫn đang là rào cản ngăn nhiên liệu hydro trở nên phổ biến.