Điện thoại và linh kiện đã trở thành mặt hàng chiến lược của Việt Nam, đóng góp tỷ trọng lớn đối với GDP đất nước và đang thu về hàng tỷ USD mỗi tháng.
Số liệu thống kê cho thấy năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng linh kiện và điện thoại chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng từ giai đoạn 2011-2021 nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng bình quân 34%. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu điện thoại lớn thứ 2 thế giới.
Bước sang năm 2024, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 7 đã thu về hơn 5,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về hơn 32,5 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ vị trí là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2.
Xét về thị trường, kể từ đầu năm đến nay, Mỹ và Trung Quốc liên tục thay nhau thống trị vị trí nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Lũy kế 7 tháng đầu năm, vị trí dẫn đầu thuộc về Trung Quốc với hơn 7,3 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là Mỹ với hơn 6,4 tỷ USD, tăng 32% so với 7T/2023.
Đáng chú ý, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã soán vị trí thứ 3 của Hàn Quốc với hơn 2 tỷ USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của Counterpoint Research, điện thoại di động đã chứng kiến mức tăng trưởng quý 2 tốt nhất kể từ năm 2021. Dữ liệu mới nhất của công ty nghiên cứu IDC ghi nhận số lượng lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 285,4 triệu chiếc trong quý 2.
IDC cho biết điện thoại thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể trở thành động lực tăng trưởng tiếp theo sau 5G và các thiết bị màn hình gập.
Đáng chú ý, thị phần của năm thương hiệu có doanh thu hàng đầu trong quý 2 bao gồm Samsung, Apple, Xiaomi, Vivo và Oppo đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do áp lực từ các thương hiệu Huawei, Honor, Motorola và Transsion Group (bao gồm Tecno, Infinix và iTel).
Theo trang DigiTimes, Việt Nam có thể sản xuất 20% iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.
Bộ Công Thương cho rằng, đối với ngành điện tử trong đó có xuất khẩu điện thoại và linh kiện cần thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định FTAs mang lại; thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.
Đặc biệt, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác có tiềm năng của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia…Đồng thời mặt hàng này cũng cần tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…