Kết luận điều tra vụ "Xuyên Việt Oil" cho thấy, khi được bị can Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil) giao tiền mang đi hối lộ nhóm lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương, bị can Nguyễn Văn Thắng (nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Xuyên Việt Oil) đã hai lần 'rút ruột' phong bì với tổng số tiền 55.000 USD.
Một lần, sau khi nhận túi tiền từ lái xe của bà Hạnh, Thắng mang đến nơi làm việc của Vụ Thị trường trong nước ở tầng 6 trụ sở Bộ Công Thương (số 23 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, Thắng mở túi ra kiểm tra thấy có 300.000 USD, nên lấy ra 50.000 USD bỏ vào túi xách cá nhân. Khi gặp hai cựu lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Thắng chỉ đưa cho 250.000 USD . Với số tiền 50.000 USD (tương đương hơn 1,13 tỷ đồng), cơ quan điều tra quy kết Thắng chiếm hưởng.
Lần khác, Thắng đã rút 5.000 USD từ khoản tiền 10.000 USD mà bà Mai Thị Hồng Hạnh giao cho Thắng để biếu ông Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương). Số tiền bớt xén phong bì này, Thắng đưa vào quỹ công ty chi nhánh Hà Nội.
Trao đổi với PV Tiền Phong về tính pháp lý xoay quanh hành vi "rút ruột" tiền đưa hối lộ của bị can Nguyễn Văn Thắng, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho rằng, số tiền này thuộc quyền quản lý và sử dụng của công ty, nhưng Nguyễn Văn Thắng đã chiếm đoạt một phần cho mục đích cá nhân, có dấu hiệu của tội "Tham ô tài sản". Theo Điều 353 Bộ luật Hình sự, tội tham ô tài sản được xác định là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc doanh nghiệp mà mình có trách nhiệm quản lý.
Việc Nguyễn Văn Thắng rút bớt 55.000 USD từ số tiền hối lộ sẽ được xem xét về hành vi “Tham ô tài sản”, Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm nói.
Trái quan điểm, luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội lại cho rằng, hành vi của Nguyễn Văn Thắng có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 , hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bao gồm việc vay mượn, thuê, hoặc nhận tài sản từ người khác rồi sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến việc không còn khả năng hoàn trả.
Luật sư Bùi Phan Anh giải thích rằng hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” diễn ra khi người phạm tội cố ý chiếm đoạt tài sản với mục đích cá nhân. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn Thắng đã nhận tài sản của người khác 2 lần và sử dụng thủ đoạn gian dối “rút ruột” 55.000 USD để chiếm đoạt số tiền đó.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Trường Lộc, cho rằng, nếu số tiền 300.000 USD được đóng gói kín đáo mà Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xuyên Việt Oil rút ra 50.000 USD sử dụng mục đích cá nhân, thì hành vi này có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản”.
Theo Điều 173 Bộ luật Hình sự, hành vi “Trộm cắp tài sản” là hành vi cố ý lén lút chiếm đoạt tài sản của cá nhân hoặc tổ chức khác nhằm thu lợi bất chính từ tài sản đó.
Ngược lại, nếu số tiền được đưa công khai và không bị gói gém, hành vi của Thắng có thể bị xem xét theo tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo kết luận điều tra, quá trình điều tra vụ án, bị can Mai Thị Hồng Hạnh không kiến nghị xem xét xử lý hành vi nêu trên của Nguyễn Văn Thắng. Bị can được ghi nhận thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra, làm rõ tội phạm, tự nguyện nộp 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Mặt khác, hành vi này của Thắng đã bị xem xét ở tội “Đưa hối lộ” với số tiền 300.000 USD nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.