Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố thao túng tiền tệ nào với Việt Nam.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo bán niên "Chính sách kinh tế vĩ mô và Ngoại hối của các Đối tác thương mại lớn của Mỹ" công bố ngày 14/11, Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ có hành vi thao túng tiền tệ trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến tháng 6/2024.

Cụ thể, không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ vướng phải cả 3 tiêu chí để bị đưa vào diện phải phân tích sâu hơn về các hoạt động tiền tệ.

Ba tiêu chí này bao gồm thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu trên 3% GDP và mua ròng ngoại hối một chiều liên tục. Quá trình phân tích sâu hơn này sẽ dẫn đến các cuộc tham vấn chuyên sâu và cuối cùng có thể là các biện pháp trừng phạt thương mại.

Trong kỳ báo cáo này, Việt Nam và một số nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Đức... nằm trong "danh sách giám sát" khi có 2 tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.

Malaysia, quốc gia nằm trong danh sách này ở báo cáo trước đó, đã được rút ra, trong khi Hàn Quốc được đưa vào danh sách theo dõi do thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu lớn và thâm hụt thương mại hàng hóa, dịch vụ đáng kể với Mỹ.

Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam và Mỹ tới cuối tháng 6 là 113 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 có thặng dư với Mỹ, và thâm hụt 1,6 tỷ USD về thương mại dịch vụ song phương với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến hết tháng 6/2024 đạt khoảng 84,1 tỷ USD, chiếm 19% so với GDP. Doanh số bán ròng ngoại hối của Việt Nam từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 là 1,5% GDP, tương đương khoảng 6 tỷ USD.

Với tiêu chí cán cân tài khoản vãng lai, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt 5% vào cuối tháng 6/2024.

Trong một năm tài chính, Mỹ sẽ có 2 lần công bố báo cáo theo dõi với một số đối tác thương mại lớn. Nếu một quốc gia nằm trong danh sách lần đầu, quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục có tên trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo, để xác định sự cải thiện mang tính lâu dài.

Trước đó, vào tháng 7/2021, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận giải quyết những lo ngại của phía Mỹ về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam.

NHNN cam kết hiện đại hóa và nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và khuôn khổ quản lý tỷ giá hối đoái, không sử dụng chính sách tỷ giá để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/my-tiep-tuc-xac-dinh-viet-nam-khong-thao-tung-tien-te-a136585.html