4 thành viên nhóm nhạc aespa thuộc SM Entertainment. Ảnh: SMTOWN. |
Ngành công nghiệp K-pop vừa trải qua một quý III đầy thử thách khi báo cáo tài chính của 3 trong 4 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc cho thấy doanh thu suy giảm so với cùng kỳ năm trước, theo CNBC.
Nguyên nhân chính đến từ việc 2 nhóm nhạc trụ cột BTS và BlackPink dừng hoạt động. BTS tạm ngừng các hoạt động nhóm để các thành viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo quy định của Hàn Quốc, trong khi 4 thành viên của BlackPink sẽ chỉ tái hợp vào năm 2025.
Doanh thu K-pop sụt giảm quý III
Ngoài ra, doanh số bán album vật lý giảm mạnh cũng là yếu tố lớn khiến ngành công nghiệp K-pop chững lại. Dù có sự tăng trưởng trong doanh thu từ phát trực tuyến, tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ để bù đắp phần suy giảm.
Tình hình tài chính không mấy tích cực cũng phản ánh qua giá cổ phiếu của các công ty giải trí hàng đầu. Cổ phiếu SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment - cả 3 đều niêm yết trên sàn chứng khoán Kosdaq (Hàn Quốc) - đã lần lượt giảm 16%, 43% và 10% từ đầu năm đến nay. Trong khi HYBE, công ty niêm yết trên sàn Kospi cũng chứng kiến mức giảm hơn 11% trong cùng giai đoạn.
HYBE - công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc tính theo vốn hóa thị trường - không tiết lộ nguyên nhân cụ thể cho sự suy giảm lợi nhuận trong quý III. Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 6/11 từ Yuanta Securities, phần chi phí lớn để ra mắt nhóm nhạc KATSEYE tại Mỹ và sự thiếu hụt hoạt động nghệ sĩ trong thời gian diễn ra Thế vận hội 2024 đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của công ty này.
Với SM Entertainment, CFO Jang Jeong Min cho biết doanh thu giảm do lượng album bán ra ít hơn. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cho một chương trình ra mắt và hiệu suất yếu kém từ các công ty con cũng là nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận.
Các nhóm nhạc đình đám từ 4 công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Ảnh: CNBC. |
YG Entertainment cũng không tránh khỏi khó khăn. Theo báo cáo ngày 11/11 của các nhà phân tích Minha Choi và Yeonghoon Kang từ Samsung Securities, khoản lỗ của công ty là điều “không bất ngờ” khi phần lớn nghệ sĩ của YG khá “im hơi lặng tiếng” trong quý vừa qua. Ngoài nhóm nhạc tân binh Babymonster và nghệ sĩ solo Lee Seunghoon, YG không có sản phẩm âm nhạc nào đáng kể trong quý III.
Ngược lại, JYP Entertainment là điểm sáng duy nhất của ngành. Theo báo cáo ngày 14/11 từ NH Securities, JYP đã đạt được “cú bật lợi nhuận mạnh mẽ” nhờ hoạt động tích cực của nhóm nhạc Stray Kids với chuyến lưu diễn toàn cầu khởi động vào nửa cuối năm 2024.
Sự trở lại của hai "gà đẻ trứng vàng"
Dù năm 2024 ảm đạm, Citi Research dự đoán ngành K-pop sẽ phục hồi ngoạn mục vào năm 2025.
Các chuyên gia phân tích từ Citi Research cho biết doanh thu ngành công nghiệp giải trí K-pop sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm sau. Theo báo cáo từ Citi, doanh thu tổng hợp của “Big 4” K-pop sẽ tăng hơn 21% trong năm 2025 và tăng gần 15% trong năm 2026.
Yếu tố thúc đẩy chính là sự trở lại của BTS và BlackPink, hai “gà đẻ trứng vàng” của K-pop.
Bên cạnh đó, các nền tảng giao lưu với người hâm mộ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng doanh thu. DearU, một công ty con của SM Entertainment mà JYP sở hữu 18,1% cổ phần đã hợp tác với Tencent Music để đưa dịch vụ nhắn tin độc quyền lên nền tảng QQ Music tại Trung Quốc. DearU từng nổi tiếng với dịch vụ Bubble, nơi người hâm mộ trả phí hàng tháng để nhận tin nhắn độc quyền từ nghệ sĩ.
Hai "gà đẻ trứng vàng" của K-pop là BTS và BlackPink dự kiến trở lại vào năm 2025. Ảnh: Hype, widiutami. |
Ngoài ra, HYBE sẽ triển khai mô hình thành viên đăng ký mới trên Weverse vào tháng 12 năm nay. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu mới mà còn tạo ra cơ hội kết nối mạnh mẽ hơn giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.
Các nhà phân tích tại Citi cho rằng sự trở lại của các nhóm nhạc hàng đầu không chỉ tăng doanh thu từ album và các buổi hòa nhạc mà còn cải thiện hiệu quả đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác. Nền tảng dành cho người hâm mộ sẽ thu hút thêm lượng truy cập, và các nghệ sĩ trẻ có cơ hội trình diễn mở màn trong các show của nghệ sĩ lớn.
Ngoài ra, đà suy yếu của đồng yen được dự đoán mang lại lợi ích cho JYP - công ty có nguồn thu lớn từ thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo JYP sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì tăng trưởng dài hạn, khi các nghệ sĩ mới gặp khó khăn trong việc tạo dựng thành công.
Báo cáo của Citi ghi nhận triển vọng lạc quan nhất về HYBE và SM, nhưng ưu tiên HYBE nhờ danh mục tài sản trí tuệ (IP) cân bằng hơn, trong khi SM phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tại Trung Quốc do quốc tịch của các nghệ sĩ. Đối với YG, Citi coi đây là một cổ phiếu có biến động cao, với khả năng tăng mạnh nhờ sự trở lại của BlackPink.
Citi Research không phải là công ty duy nhất có đánh giá tích cực về triển vọng năm sau của K-pop. Trước đó, các tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng đưa ra những nhận định tích cực về ngành K-pop các năm tiếp theo.
Theo Goldman Sachs, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang bị “hiểu lầm”, các công ty K-pop không nên được đánh giá chỉ qua doanh số album mà cần xem xét lượng khán giả tham dự các buổi biểu diễn trực tiếp.
Ngân hàng đầu tư này nhận thấy K-pop đang có cơ hội lớn để mở rộng lượng người hâm mộ tại Nhật Bản và toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ. Sự hiện diện của các nghệ sĩ K-pop tại những lễ hội âm nhạc lớn như Coachella và Lollapalooza cho thấy sự phát triển bền vững của ngành.
Morgan Stanley cũng nhận định K-pop đang trên đà mở rộng fan quốc tế. Sau hơn 20 năm gây dựng lượng người hâm mộ trung thành tại châu Á, K-pop hiện đã bước vào dòng nhạc chính thống toàn cầu, mang lại nhiều tiềm năng đầu tư hấp dẫn.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.
Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/mua-dong-k-pop-sap-qua-a136831.html