Chiếc can nhựa 9 năm và câu chuyện nghề giáo vùng cao

9 năm miệt mài dạy dỗ các em học sinh vùng cao Lào Cai là 9 năm cô Lồ Thị Lan gắn bó với chiếc can nhựa để có nguồn nước sạch sinh hoạt hàng ngày.

Cô Lồ Thị Lan hiện là giáo viên tại trường Tiểu học Dìn Chin, huyện Mường Khương, Lào Cai. Qua chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2020”, đại diện Tập đoàn Thiên Long và ban tổ chức đã đến thăm cô Lan và cô Hà Thị Hội (Phú Thọ) - 2 tấm gương giáo viên là người dân tộc thiểu số của khu vực vùng núi phía Bắc.

9 năm gắn bó với trường Tiểu học Dìn Chin

Đến Mường Khương những ngày thời tiết miền Bắc trở lạnh, đại diện Tập đoàn Thiên Long và ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã vượt qua nhiều cung đường quanh co để đến Trường tiểu học Dìn Chin nằm sâu trong núi. Đây là điểm trường dạy học của cô Lồ Thị Lan - giáo viên người dân tộc Bố Y, với 9 năm làm bạn cùng nhiều thế hệ học sinh là con em đồng bào.

Thien Long anh 1

Cô Lan bên các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại điểm trường Dìn Chin.

9 năm trong nghề cũng là ngần ấy thời gian cô Lan phải tích trữ và tiết kiệm từng giọt nước sạch quý báu. Cô Lan chia sẻ: “Nước với tôi quý như vàng. Cứ sáng sớm hoặc chiều tan làm, tôi cùng bạn bè, đồng nghiệp chuẩn bị can, đòn gánh để lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Gọi là lấy nước nhưng thực tế là đi hứng từng giọt nước bởi cả thôn chỉ có một nguồn nước rất bé, nước chảy ít và chậm. Vậy nên tôi thích trời mưa. Có mưa là có thêm nước để sử dụng, tắm giặt”.

Thien Long anh 2

Cô Lan cùng học trò xách can nhựa lặn lội trong đêm để có nước sạch sử dụng.

Nhiều năm trôi qua, cô Lan không thể nhớ hết những lần cô trò phải mang chiếc can nhựa nhỏ, trèo đèo lội suối đi hứng nước trong ngày đông giá rét. Hay những lần cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn bản để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Lan cùng các thầy cô giáo tại điểm trường Dìn Chin - nơi có 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số - đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của khu vực, mang đến tri thức để các em trở thành thế hệ tương lai giúp quê hương xóa đói, thoát nghèo.

Thien Long anh 3

Đoàn đại diện chương trình trao quà tặng cho cô Lan và học sinh tại điểm trường Dìn Chin.

Cô Lan không chỉ là tấm gương sáng cho tấm lòng cao cả của những người làm nghề giáo, mà còn trở thành nguồn cảm hứng, minh chứng cho thấy sự thay đổi tích cực nếu con em đồng bào được tiếp cận với tri thức.

Mang lịch sử tới học sinh dân tộc thiểu số

Tạm biệt Mường Khương, di chuyển hơn 240 km, đoàn tới thăm cô Hà Thị Hội - giáo viên người Mường, có 13 năm gắn bó với ngôi trường THCS xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Cô Hội là thế hệ học sinh đã trưởng thành từ chính ngôi trường Đồng Sơn.

Đón đoàn ghé thăm khi mới tan lớp, cô Hội chia sẻ câu chuyện vui trong quá trình tận tụy với nghề. Khi được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Lịch sử cho học sinh, nhất là các em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, cô cảm thấy lo lắng.

“Với đặc thù môn Lịch sử, các em rất ngại học vì quá khứ diễn ra từ lâu. Để các em thích học môn mình dạy, ngoài những sự kiện có trong sách giáo khoa, tôi cũng phải liên hệ thực tiễn cho các em khi lên lớp. Trong tiết học ban nãy, tôi tạo ra những đồ dùng, phương tiện dạy học gần gũi với học sinh. Ngoài ra, tôi cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào giờ học để các em không nhàm chán. Có khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc”, cô chia sẻ.

Thien Long anh 4

Cô Hội tận dụng những phương tiện từ thực tiễn giúp bài giảng thêm cuốn hút.

Qua câu chuyện của cô Lồ Thị Lan ở Mường Khương (Lào Cai) hay cô Hà Thị Hội ở Phú Thọ, đại diện Tập đoàn Thiên Long nhận định đây là thế hệ giáo viên mới. Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long - nhấn mạnh: “Đó là thế hệ thầy cô giáo có tinh thần xung kích, không ngại khó khăn gian khổ vì học sinh thân yêu; là thế hệ thầy cô có tinh thần khai phóng, luôn tiếp nhận cái mới trong giáo dục, không ngừng cập nhật thông tin và áp dụng công nghệ trong việc dạy và học; là thế hệ có những sáng kiến, mô hình, công trình nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy học sinh, gợi mở tư duy, kể chuyện thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh”.

Thien Long anh 5

Đại diện Tập đoàn Thiên Long bày tỏ sự cảm kích với các giáo viên được tuyên dương trong năm thứ 6 của chương trình.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2020” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Thông tin chi tiết về chương trình và hình ảnh những tấm gương thầy cô người dân tộc thiểu số liên tục được cập nhật tại fanpage Chia sẻ cùng thầy cô.

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/chiec-can-nhua-9-nam-va-cau-chuyen-nghe-giao-vung-cao-a7752.html