Bất an vì sạt lở bờ sông

Quảng NamMỗi đêm sông Quảng Huế ngoạm 20 m đất, tiếng đất lở ầm ầm khiến người dân xã Đại An, huyện Đại Lộc, mất ăn mất ngủ.

Sáng 20/10, chính quyền huyện Đại Lộc huy động hơn 200 người cùng ba máy đào cho đất cát vào bao tải bỏ xuống đoạn sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, để gia cố tạm thời chống sạt lở. Khu vực này bị nước lũ cuốn trôi hơn 1,5 ha đất sản xuất tạo thành vòng tròn với vách đứng cao gần 10 m. Nước sông chảy vào tạo vùng xoáy mạnh, đất tiếp tục bị cuốn trôi.

Nhà cách điểm sạt lở hơn 10 m, ông Ngô Uyên, 58 tuổi, ở thôn Phú Nghĩa, cho biết sông Quảng Huế có vai trò dẫn nước, chia bớt lũ cho hai sông Vu Gia và Thu Bồn. Năm 1999, mưa lũ làm sạt lở bờ sông Quảng Huế. Một năm sau chính quyền xây bờ kè bảo vệ đất sản xuất và nhà dân. Từ đó, mỗi mùa mưa lũ, sạt lở không đáng kể nên cuộc sống, sản xuất của người dân ổn định.

Bờ sông Quảng Huế bị sạt lở thành vòng tròn do nước xoáy gây nên rộng hơn 1,5 ha. Ảnh: Đắc Thành

Bờ sông Vu Gia bị sạt lở vòng tròn rộng hơn 1,5 ha. Ảnh: Đắc Thành

Tuy nhiên, từ năm 2013, TP Đà Nẵng vào mùa khô bị nhiễm mặn, chính quyền hai địa phương cho đắp một đập bằng đá, bảo tải đất cát để ngăn nước từ sông Vu Gia không cho về Quảng Huế. Khi đập hình thành, nước chảy về Đà Nẵng để phục vụ sinh hoạt, vì nơi đây thiếu nước ngọt.

Mỗi khi mưa lũ, nước chảy qua đập tạo dòng xoáy gây sạt lở. "Ban đầu nước lũ gây xói dưới chân bờ kè tạo hàm ếch, sau đó nhiều đợt lũ khác cuốn bay bờ kè. Năm 2020 nước lũ bắt đầu gây sạt lở đất sản xuất", ông Uyên nói.

Trong tháng 10 này, hai trận lũ trên báo động 3 (mức cao nhất) đã cuốn trôi đất sản xuất ven sông Quảng Huế. Sạt lở cách nhà dân nơi gần nhất 10 m, nơi xa 50 m, cách đường dân sinh 4 m. Lo sợ lũ về gây sập nhà dân, chính quyền di dời 7 hộ dân, gần 10 hộ dân khác ở thôn Phú Nghĩa sẵn sàng sơ tán khi mưa lớn.

Đập ngăn nước trên sông Quảng Huế chảy về Vu Gia đưa ra Đà Nẵng tạo dòng xoáy khi mưa lũ gây sạt lở. Ảnh: Đắc Thành

Đập ngăn nước trên sông Quảng Huế chảy về Vu Gia đưa ra Đà Nẵng tạo dòng xoáy khu mùa lũ gây sạt lở. Ảnh: Đắc Thành

Móng nhà cách chỗ sạt lở 50 m, ông Ngô Thôi, 63 tuổi, nói chưa từng thấy mỗi đêm nước lũ cuốn trôi hơn 20 m đất. Tiếng đất lở ầm ầm khiến ông không thể ngủ. Nếu chính quyền không có giải pháp thì một vài trận lũ, sạt lở đến nhà ông.

"Mất đất sản xuất thì đi làm thuê, song cả đời người tích góp xây dựng được căn nhà, giờ mất thì sống ở đâu", ông nói và cho rằng để di dời cần số tiền rất lớn xây dựng nơi ở mới, nhưng mức hỗ trợ của nhà nước thấp.

Ông Uyên, ông Thôi và hầu hết người dân thôn Phú Nghĩa mong chính quyền sớm xây dựng bờ kè bê tông bảo vệ đất và có phương án xây dựng đập ngăn nước đưa về Đà Nẵng không gây sạt lở khi mùa mưa lũ đến.

Gần 10 hộ dân phải di dời vì sạt lở
 
 

Hơn 200 người gia cố sạt lở sáng 20/10. Video: Đắc Thành

Phản hồi kiến nghị của người dân, Chủ tịch huyện Đại Lộc Lê Văn Quang cho biết tạm thời dùng bao tải cát, đóng cọc tre để bảo vệ sạt lở đất trong mùa mưa lũ này. Về lâu dài, huyện đã xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng bờ kè bê tông phục hồi khu vực sạt lở và bảo vệ nhà dân.

Huyện Đại Lộc cũng đề xuất tỉnh nghiên cứu xây dựng tuyến đập dẫn nước về Đà Nẵng. "Đập xây lên đưa nước về Đà Nẵng vào mùa khô, đến mùa mưa sẽ không tạo thành cái thác gây xói lở bờ sông Quảng Huế như hiện nay", ông Quang nói.

Đắc Thành

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/bat-an-vi-sat-lo-bo-song-a91625.html