Nghiên cứu coi Covid-19 là bệnh đặc hữu

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu kinh nghiệm các nước đã xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, coi đây là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam.

Sáng 20/10, thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết chính sách về dịch bệnh của Thái Lan và một số nước là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong việc chuyển bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B, trong đó có Covid-19.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương đang ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Bộ Y tế, 28 địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc; 26 địa phương và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Nguy cơ thiếu thuốc sẽ tiếp diễn năm 2023 khi khoảng 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành.

Các nguyên nhân được chỉ ra là hành lang pháp lý về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế chưa hoàn thiện, gây nhiều cách hiểu khi thực hiện. Việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm; khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Luật Dược năm 2016.

Hà Nội tiêm vaccine cho trẻ hồi tháng 4/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Hà Nội tiêm vaccine cho trẻ hồi tháng 4/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi diễn biến dịch bệnh trên thế giới để có kịch bản, phương án ứng phó kịp thời, tránh bị động, bất ngờ. Vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế cần được giải quyết, để chấm dứt ngay tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đồng thười có giải pháp thúc đẩy công nghiệp dược và sản xuất thuốc trong nước.

"Tình trạng thiếu bác sĩ tại bệnh viện công cũng cần khắc phục", ông Thanh nói, cho rằng Chính phủ phải nghiên cứu lộ trình phù hợp, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp; có giải pháp khắc phục tình trạng bệnh viện tự chủ nhưng thu không đủ bù chi.

Từ đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần yêu cầu các đơn vị tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) được Chính phủ ban hành giữa tháng 3 nêu Việt Nam sẽ nghiên cứu chuyển biện pháp phòng chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh) sang nhóm B (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong).

Hồi tháng 8/2022, dù toàn quốc đã tiêm đủ hai mũi vaccine cho người từ 12 tuổi, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng chưa xem Covid-19 là bệnh lưu hành, chưa công bố hết Covid-19 tại Việt Nam. Bộ Y tế cũng đề xuất Thủ tướng chưa chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Viết Tuân

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/nghien-cuu-coi-covid-19-la-benh-dac-huu-a91645.html