5 năm ông Nguyễn Văn Thể làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải

Sau 5 năm ở cương vị Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể đã góp phần định hình tuyến cao tốc Bắc Nam và kéo giảm tai nạn giao thông.

Sáng 21/10, ông Nguyễn Văn Thể được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải theo nguyện vọng cá nhân sau khi đã trải qua được 1,5 năm của nhiệm kỳ thứ hai.

Đang là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, tháng 10/2017 ông Thể được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải, thay ông Trương Quang Nghĩa đã được phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Ông Thể phải triển khai cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, quy mô xây dựng 654 km cao tốc, tổng mức đầu tư hơn 97.660 tỷ đồng, chia thành 11 dự án thành phần. Trong đó, 6 đoạn sử dụng vốn đầu tư công và 5 đoạn theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thời gian đầu, nguồn vốn xã hội hóa cho hạ tầng giao thông hạn chế, phần lớn doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng thắt chặt cho vay trung và dài hạn. Bộ Giao thông Vận tải phải tìm cách thu hút doanh nghiệp như bàn giao quỹ đất sạch, gia hạn tìm nguồn vốn. Nhờ đó, 3 trong 5 dự án được đầu tư theo hình thức PPP là Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt.

Hai dự án không có nhà đầu tư là quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đã được Bộ đề xuất chuyển sang đầu tư công. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, các thủ tục đầu tư thực hiện nhanh chóng nên hai dự án này chỉ khởi công chậm khoảng 10 tháng so với các dự án đã thực hiện.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hoàng Phong

Quá trình thi công, các đơn vị xây dựng cao tốc đối mặt nhiều vấn đề như thiếu hụt mỏ vật liệu, bão giá nguyên vật liệu, tác động bởi mưa lũ, thời tiết bất thường, dịch Covid-19, chậm giải phóng mặt bằng... Bộ trưởng Thể và lãnh đạo bộ xuống công trường đôn đốc triển khai, cùng địa phương xử lý vướng mắc của nhà thầu.

Đến nay, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) đã hoàn thành, 4 dự án đầu tư công là Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế), Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến xong cuối năm nay.

6 dự án còn lại là cầu Mỹ Thuận 2, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành vào năm 2023 theo kế hoạch. Sau khi các dự án hoàn thành, cao tốc Bắc Nam sẽ dài khoảng 1.300 km.

Các tuyến cao tốc cũng được kiểm soát chất lượng. Chia sẻ với VnExpress tháng 1/2022, Bộ trưởng Thể nói: "Tôi khẳng định không có đơn vị nào dám làm ẩu cao tốc Bắc Nam, vì dự án hoàn thành sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm". Theo ông, cái quý nhất của Bộ lúc này là cán bộ thay đổi tư duy, không còn trì trệ, trông chờ. Người đứng đầu được gắn trách nhiệm tại từng dự án, đơn vị sẽ bị thu hồi vốn, điều chuyển cán bộ nếu để trì trệ kéo dài.

Để nối thông cao tốc Bắc Nam - trục xương sống của cả nước dài khoảng 2.000 km, đầu năm 2022, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng 12 dự án cao tốc phía đông giai đoạn 2021-2025. Tổng chiều dài cao tốc Bắc Nam giai đoạn này là 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án có tổng vốn 146.990 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công.

Bộ trưởng Thể đã chỉ đạo cơ quan liên quan lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo khả thi các dự án trong 4-5 tháng, thiết kế kỹ thuật trong 3-4 tháng. Lãnh đạo Bộ thường xuyên đến các địa phương phối hợp, đôn đốc giải phóng mặt bằng để đảm bảo khởi công 12 dự án vào cuối năm nay. Dự kiến đến hết năm 2025, 12 dự án sẽ hoàn thành, nối thông toàn bộ tuyến huyết mạch cao tốc Bắc Nam.

Mạng lưới cao tốc Việt Nam đến 2050. Đồ họa: Tạ Lư

Mạng lưới cao tốc Việt Nam đến 2050. Đồ họa: Tạ Lư

Thời gian đương nhiệm, Bộ trưởng Thể đã đốc thúc vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - dự án đã phải 4 lần gia hạn tiến độ; khởi công sân bay Long Thành; khai thác cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dự án bị đình trệ nhiều năm); hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long - công trình từng sửa chữa hai lần không thành công. Các dự án sửa chữa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất đạt tiến độ trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác bay.

Bộ Giao thông Vận tải đứng top đầu về giải ngân trong các bộ ngành; hoàn thành 4 trong 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy, sớm hơn so với yêu cầu của Chính phủ.

Trong 5 năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã góp phần kéo giảm số vụ, giảm số người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2017, toàn quốc xảy ra 20.000 vụ tai nạn, làm chết hơn 8.200 người, bị thương 17.000 người. Đến năm 2021, số vụ giảm còn hơn 11.000, khoảng 5.800 người chết và 8.000 người bị thương. Lần đầu tiên, số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 6.000.

Ngoài nguyên nhân khách quan là giãn cách xã hội do Covid, mật độ giao thông giảm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tăng chất lượng đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện xe cơ giới, thay đổi các quy định như tăng mức phạt lái xe uống rượu bia, xe chở quá tải.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hồi tháng 6 đánh giá, ông Nguyễn Văn Thể là một trong các bộ trưởng có kinh nghiệm, nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý. Khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi, mỗi vấn đề đều có định hướng, đề xuất phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới.

Dù để lại dấu ấn với ngành giao thông vận tải, ông Thể rời cương vị Bộ trưởng khi nhiều công trình vẫn dang dở. Cao tốc Bắc Nam chưa hoàn thành; tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) chưa được nối thông, 8 dự án BOT gặp vướng mắc chưa được xử lý. Những lời hứa khi trả lời chất vấn, như xử lý dứt điểm vướng mắc tại các dự án BOT trong 2022, xem xét tịch thu xe quá tải 20%, ông Thể phải gửi lại cho người kế nhiệm.

Đoàn Loan

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/5-nam-ong-nguyen-van-the-lam-bo-truong-giao-thong-van-tai-a91722.html