Nguồn cung nhà ở còn hạn chế
Tại Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022, Bộ Xây dựng đánh giá, phân khúc nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Vì vậy, nguồn cung nhà ở nhìn chung không được cải thiện.
Cụ thể, trong quý III/2022, số lượng nhà ở thương mại hoàn thành chỉ có 17 dự án với 4.123 căn, chiếm khoảng 71% so với quý II/2022 và bằng khoảng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, miền Bắc có 10 dự án với 2.396 căn, miền Trung có 1 dự án, miền Nam có 6 dự án với 1.711 căn.
Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.148 dự án với 324.511 căn, số lượng dự án tương đương với quý II/2022 và bằng khoảng 163,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá căn hộ chung cư so với quý trước cơ bản ổn định, tuy nhiên tại một số khu vực ở Hà Nội, Tp.HCM tăng hơn so với quý II.
Theo cơ quan quản lý, sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp. Đặc biệt, tại Hà Nội và Tp.HCM một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao trên 100 triệu đồng/m2.
Cũng theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cũng rất hạn chế trong quý III vừa qua. Số lượng dự án hoàn thành chỉ có 2 dự án với 310 tại Kon Tum, Trà Vinh. Số lượng dự án bằng khoảng 66,7% so với quý II/2022 và bằng khoảng 33,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Số lượng dự án đang triển khai xây dựng cũng không nhiều khi toàn thị trường chỉ ghi nhận 46 dự án với 25.216 căn. Số lượng dự án này bằng khoảng 48% so với quý II/2022 và bằng khoảng 55,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, số lượng dự án nhà ở thu nhập thấp được cấp phép mới chỉ có 1 dự án với quy mô 690 căn tại Thái Bình, chiếm khoảng 25% so với quý II/2022 và tương đương với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý (đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng…).
Thanh khoản bất động sản giảm
Số liệu được Bộ Xây dựng tổng hợp từ các địa phương cho thấy, thanh khoản thị trường bất động sản quý III/2022 có xu hưởng giảm so với quý II/2022.
Cụ thể, có 51.003 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thành công (tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, Tp. HCM), giảm 26% so với trước và nhưng tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, miền Bắc có 9.627 giao dịch, miền Trung có 17.425 giao dịch và miền Nam có 23.951 giao dịch. Riêng tại tại Hà Nội có 1.508 giao dịch thành công, Tp. HCM có 2.144 giao dịch thành công.
Phân khúc đất nền ghi nhận 115.129 giao dịch thành công trong quý này, giảm 46% so với quý trước (hơn 213.000 giao dịch). Trong đó, miền Bắc có 21.806 giao dịch, miền Trung có 18.789 giao dịch, miền Nam có 74.534 giao dịch.
Trong khi đó, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng giảm nhẹ khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giảm nhiều như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (Tp. HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); Tp. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
"Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý II ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường đặc biệt là thị trường thứ cấp", Bộ Xây dựng đánh giá.
Vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư dự án
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản vẫn còn có nhiều khó khăn, bất cập, chưa thực sự lành mạnh, bền vững.
Bộ cho rằng, nguồn cung bất động sản, nhà ở sẽ còn hạn chế do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý (đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng…).
Theo đó, để thực hiện nghiêm nhiệm vụ tại Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính, Bộ Xây dựng đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 năm 2023. Từ đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp, lưu ý tới nhà ở cho các chuyên gia, nhà khoa học tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho các đối tượng này.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế đối với bất động sản nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường. Sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/nguon-cung-va-thanh-khoan-thi-truong-bds-quy-iii2022-dong-loat-giam-a92585.html