Bất động sản: Mua dễ, bán sao cho có lời? | ||
Tôi đã “rơi từ đỉnh” thị trường chứng khoán như thế nào? |
Với nhiều, rất nhiều nhà đầu tư, thị trường chứng khoán đã trở thành nơi gửi gắm ước mơ làm giàu, nơi những F0 muốn bước chân vào lĩnh vực mới, nơi những nhà đầu tư “gạo cội” chứng tỏ mình. Với tôi thì đó là thị trường hàng hóa.
Sở giao dịch hàng hoá (MXV) đã được thành lập tại Việt Nam cả chục năm nay nhưng với nhiều nhà đầu tư thì vẫn còn xa lạ. Hai năm trước, tôi lần đầu được biết đến sàn này!
Nhớ lại thời điểm lúc đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khắp nơi, việc di chuyển, đi lại nhiều vùng gặp khó do giãn cách, phong toả. Cũng thời điểm này, nhiều thời gian rỗi hơn, tôi lại có cơ duyên tìm hiểu sàn giao dịch hàng hoá.
Ảnh minh họa |
Thời điểm đó, những đồng tiền ảo, tiền số như: BTC, AUTH, BAT rồi cả LUNA… đang là tâm điểm, giá được đẩy lên đỉnh lịch sử và không biết điểm dừng, bạn bè tôi ở khắp nơi khoe lãi. Lúc đó tôi cũng vừa mới lần đầu tìm hiểu sâu hơn đến tiền số, đến các sàn giao dịch tiền ảo như Binance…
Nhưng tôi sợ - rất sợ!
Nỗi sợ của tôi xuất phát tâm lý của một người sợ mất, sợ những lừa đảo đầy rẫy trên cái thị trường ảo này, sợ những lời “doạ” từ ai đó “rằng thì là mà” chỉ cần bị “cấm” như nước X nước Y là tiền mất trắng. Hơn nữa ở Việt Nam chưa công nhận tiền ảo, pháp lý không bảo hộ. Do đó, tôi đứng ngoài cuộc chơi, nói KHÔNG với bất cứ đồng tiền ảo nào! Một trong những ví dụ được đưa ra khiến tôi “sợ” thật sự là việc năm 2021 hàng chục sàn giao dịch tiền ảo tại Hàn Quốc đã phải đóng cửa do không đáp ứng đủ điều kiện cần thiết. Không chỉ ở nước ngoài, ở Việt Nam nhiều sàn giao dịch tiền ảo cũng đã được lập nên, và đã không ít sàn bị “đánh sập”, lấy đi bao nước mắt của các nhà đầu tư như việc sàn tiền ảo Wolf Broker. Vụ sàn forex FXT Tradingmarrkets liên quan đến Lion Group sập cùng những hậu quả nhà đầu tư gánh chịu vẫn còn đeo đẳng mãi. Đến nay, đâu đó trên các cộng đồng mạng vẫn kể lại những nỗi đau mang tên LUNA, những nỗi đau củ “tín đồ” KOLs và coin Antex…
Sợ, nhưng tôi vẫn mê mẩn. Đúng là “máu” đầu tư không thể không nhìn đến. Tôi tìm hiểu và lập 1 tài khoản ảo. Tài khoản này cho phép người dùng chơi thử mà không phải bỏ vốn, chơi trên “vốn” cấp sẵn. Lúc đó, tôi mở tài khoản Demo trên nền tảng MetaTrade4, và bắt đầu nghiên cứu sâu hơn.
Những lệnh Long, lệnh Short đã hấp dẫn tôi. Thực sự khác xa với những gì tôi biết trên thị trường chứng khoán. Tôi lại càng tìm hiểu kỹ, và bất ngờ phát hiện ra, Việt Nam cũng có “sàn” hàng hoá, giao dịch 2 chiều với Long - Short, còn có thể giao dịch những hàng hoá “nước ngoài” như tôi thường gọi, mà hoàn toàn hợp pháp.
Tôi thử! Một nhóm bạn thân 5 người được nhóm họp cấp tốc, cùng nhau chung mở tài khoản. Để đưa ra quyết định này, chúng tôi đã ngồi lại phân tích tỷ mỉ về từng mặt hàng được giao dịch trên sàn hàng hoá, chu kỳ tăng giảm, nhu cầu, các tin tức tác động, kỳ hạn của các hợp đồng tương lai...Chúng tôi cũng lập ra mô hình để tính toán kỹ lưỡng về tỷ lệ margin, biến động tăng giảm bao nhiêu thì phải cutloss, đâu là điểm phải đặt cutloss và cách thức đặt lệnh để bảo toàn lợi nhuận khi thị trường lên xuống...
Nghiên cứu kỹ, chúng tôi cũng nghiên cứu luôn “cách chơi” để thuận lợi nhất. Một tài khoản chung được lập ra theo mô hình công ty quản lý quỹ, có báo cáo NAV trên mỗi cổ phần góp vốn… để chúng tôi có thể tự mình quản lý dòng tiền đổ vào tài khoản chung, và cũng một phần khiến mình có kiến thức đầu tư chuyên nghiệp hơn, cũng “sành điệu hơn” với các thuật ngữ chuyên môn. Chúng tôi cũng chú trọng việc “săn tin”: chiến sự Ukcraina ảnh hưởng đến giá dầu, giá lương thực thế nào, giá lạnh Châu Âu ảnh hưởng đến giá dầu thế nào, mùa nào thì lương thực thường tăng/giảm…
Khi đã thấy mình tìm hiểu được nhiều thông tin, chúng tôi chính thức đổ tiền vào tài khoản, cùng nhau đầu tư, cùng nhau chia sẻ thông tin, cùng nhau đặt lệnh. Thật thú vị khi có những đêm rất khuya, thậm chí có hôm 2-3 giờ sáng nếu có diễn biến mới, nhóm chúng tôi dù ở cách rất xa nhau cũng cùng điểm đến là màn hình điện thoại nhìn chart nhảy múa. Các lệnh Long, Short được đặt liên tục. Những kiến thức cũng liên tục được các thành viên bổ trợ cho nhau.
Đây là một quãng thời gian thật vui! Chúng tôi bảo nhau, biến động thế này thì chắc chắn rất dễ call margin nếu không “soi” liên tục. Thế nên chúng tôi quy định: khi không ai care được thì sẽ phải cắt, hoặc đưa lệnh về trạng thái an toàn tài khoản nhất mới dám đi ngủ!
Nói về Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam được hiểu như một tổ chức nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc độc lập. Đây là nơi cung cấp và duy trì một nơi bán cụ thể, có tổ chức với cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để mua bán hàng hóa, thực hiện giao dịch. Những “mặt hàng” mua bán trên sàn đều là những hàng hóa tương lai, mà sở giao dịch có vị thế chủ thể tổ chức và điều hành các hoạt động mua bán hàng hóa.
Hay có thể hiểu nôm na, Sàn hàng hóa là nơi để giao dịch hợp đồng tương lai hàng hóa, nơi mà các doanh nghiệp/tổ chức kinh doanh mua và bán các loại hàng hóa của mình cho cộng đồng nhà đầu tư.
Câu chuyện của tôi về nhân duyên với sàn hàng hoá khá là êm đềm. Hai tháng đó, chúng tôi đã nhân đôi tài khoản. Cùng là những nhà đầu tư theo tiêu chí “chốt lãi không bao giờ sai”, chúng tôi đầu tư theo kiểu chốt lãi, cutloss nếu thấy hợp lý. Chúng tôi cũng thống nhất, cổ phần góp vào theo phương án NAV, rút ra cũng thế. Khi thành viên nào trong nhóm cần việc, có thể rút ra theo đúng giá trị NAV/cổ phần. Cũng có thể nộp thêm vào theo đúng phương án đó.
Kỷ niệm “nhớ đời” nhất của chúng tôi chính là phiên đặt lệnh đúng lúc Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukcraina. Lúc đó mọi mặt hàng, đặc biệt là lúa mì (ZWA) tăng vọt, dư mua trần chất đống hàng ngàn hợp đồng. Trong một lúc “nông nổi” FOMO, chúng tôi “thả” một lệnh short ở giá trần vì nghĩ răng cùng lắm thì exit thoát lệnh như lâu nay.
Nhưng chúng tôi nhầm, một cái nhầm để lại một bài học nhớ đời: Không phải lúc nào cũng exit được lệnh: nếu như không có lệnh bán đối ứng khớp lệnh với lệnh mua để exit thì chúng tôi không thể thoát lệnh. Nhóm nhà đầu tư lại ngồi bàn bạc phương án “cứu” tài khoản. Những giả thiết được lập ra. Nếu vẫn không có lệnh đối ứng để thoát, thì chỉ cần tăng trần thêm phiên nữa sẽ “cháy” tài khoản” – chúng tôi kỳ vọng vào phiên tối – phiên của Mỹ để mong các anh đẹp trai to cao vào “cứu”. Cùng lúc đó phương án 2 được đặt ra: nếu chẳng có anh Mỹ nào cứu, thì cần hedging một lệnh ở kỳ hạn khác để cân bằng tài khoản, nhằm chờ cơ hội “thoát thân” tránh cảnh “cháy” tài khoản nếu phiên tiếp theo lúa mỳ tăng trần.
May mắn đã đến với chúng tôi, vào phiên Mỹ, chúng tôi exit được lệnh short lúa mì, thậm chí còn lãi được 9.000 USD nhờ các anh Mỹ đẹp trai đã “kéo” ZWA xuống dưới giá trần khá xa trước khi “bay” trở lại giá trần. Một phen hú vía. Chúng tôi thoát, nhưng vô số lệnh short của nhà đầu tư khác không thoát được vì “vận may” chỉ đến trong 15 phút đầu tiên cho những ai kiên trì “hóng” trai đẹp đến cứu. Sau đó ZWA đã tăng trần trở lại, “nhốt” short mấy phiên liên tiếp sau đó, nhiều tài khoản đã “cháy” theo như lời bạn bên MXV kể lại.
Sau đợt đó, chúng tôi quyết định chơi an toàn, rút hết vốn ban đầu ra, đầu tư trên phần lãi tài khoản. Dù sau này, những suy đoán khi đặt lệnh, những phân tích, nhận định: “đáy của đáy”, “đỉnh của đỉnh”, “đáy của nhiều năm” “ đỉnh của nhiều năm” đã không còn đúng, hoặc may mắn đã “rời đi xa”, chúng tôi không còn giữ lại được số lãi ban đầu. Cũng có thể sau này thị trường bị ảnh hưởng quá lớn bởi những tác động bên ngoài như chiến tranh, dịch bệnh… nên những dự đoán của chúng tôi không còn “khớp” như trước.
Tuy vậy, đối với nhóm chúng tôi, kỷ niệm những đêm thức canh chart, những lúc ngồi phân tích kỹ thuật nọ kia, những kiến thức về hàng hoá: sao ngô lại tăng, sao mỳ giảm, chiến tranh đang làm giá dầu tăng… thật là bổ ích.
Hiện tại, công việc bận rộn hơn, vốn đã tạm rút đầu tư việc khác, nhưng chúng tôi vẫn quan sát thường xuyên và một ngày không xa, sẽ kích hoạt lại tài khoản, để một lần nữa “nóng” lên với Long - Short.
Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư. Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ". |
Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/hoi-uc-ve-mot-lan-duoc-than-may-man-ghe-tham-khi-long-short-a93365.html