Huyện Đông Sơn dự kiến sáp nhập vào TP Thanh Hóa

14 xã, thị trấn của huyện Đông Sơn dự kiến sáp nhập vào TP Thanh Hóa, nâng tổng diện tích thành phố lên hơn 228 km2 với 48 đơn vị hành chính cấp xã.

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa thông báo kết luận sau Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thống nhất chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường.

TP Thanh Hóa hiện nay có diện tích tự nhiên 147 km2, 30 phường và 4 xã, quy mô dân số gần 500.000. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất cả nước. Theo dự thảo đề án, toàn bộ gần 83 km2, dân số hơn 88.000 của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào TP Thanh Hóa.

Huyện Đông Sơn dự kiến sáp nhập vào TP Thanh Hóa. Đồ họa: Tiến Thành

Huyện Đông Sơn dự kiến sáp nhập vào TP Thanh Hóa. Đồ họa: Tiến Thành

Sau sáp nhập, TP Thanh Hóa sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số gần 594.000, với 37 phường và 11 xã. Có 7 phường dự kiến được lập mới gồm Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê và Đông Thịnh.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm một đơn vị hành chính cấp huyện, còn hai thành phố (Sầm Sơn, Thanh Hóa), hai thị xã (Nghi Sơn, Bỉm Sơn) và 22 huyện với 559 đơn vị hành chính cấp xã.

Đề án của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ việc sáp nhập nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại một, với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước. Việc sáp nhập cũng phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.

Ngoài ra, Ban soạn thảo đề án đề xuất lựa chọn hai phương án tên gọi mới sau sáp nhập là TP Thanh Hóa hoặc TP Đông Sơn.

Sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa

Một góc thành phố Thanh Hoá hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng

Ông Lê Anh Xuân, Bí thư TP Thanh Hóa, cho biết theo quy trình sẽ phải lấy ý kiến nhân dân, trình HĐND các cấp và Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua... Thời gian sáp nhập dự kiến trong năm 2023.

Đô thị loại một trực thuộc tỉnh có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hành chính, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một hoặc một số vùng lãnh thổ liên tỉnh.

Điều kiện để lên đô thị loại một trực thuộc tỉnh: Quy mô dân số từ 500.000 trở lên, khu vực nội thành đạt từ 200.000 người trở lên; Mật độ dân số từ 2.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định.

Lê Hoàng

Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/huyen-dong-son-du-kien-sap-nhap-vao-tp-thanh-hoa-a93842.html