Giá gạo Việt Nam tốt hơn gạo Thái Lan
Năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam gặp nhiều thuận lợi khi khách hàng mua gạo truyền thống là Philippines đã tăng nhập khẩu từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn. Thị trường Trung Quốc cũng chuyển từ nhập khẩu nhỏ giọt từ đầu năm sang nhập khẩu với sản lượng lớn vào cuối năm. Một số quốc gia Châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sựt giảm mạnh vì chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao thì quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ đột ngột dừng xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế 20% các loại gạo. Điều này đã tác động và làm tăng giá gạo trên thị trường thế giới.
Mặt khác, do ảnh hưởng biến động nguyên liệu sản xuất đầu vào như giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công…tăng, cùng với đó do giá xăng dầu biến động, chi phí logistics cũng tăng mạnh, tất cả những yếu tố trên đã đẩy giá gạo tăng, xác lập mức giá mới.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 10 đã đạt mức hơn 700.000 tấn, tăng 100.000 tấn so với bình quân các tháng trước đó. Lũy kế xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2022 đạt gần 6,1 triệu tấn, với kim ngạch xấp xỉ 3 tỷ USD. Tăng 17,4% về sản lượng, 7,6% về giá trị.
Trong đó, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, khi nhập khẩu gần 2,8 triệu tấn gạo với kim ngạch gần 1,3 tỷ USD.
Trong tháng 10/2022, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam lên hơn 130.000 tấn. Lũy kế 10 tháng Trung Quốc đã nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu gần 4 triệu tấn gạo từ các quốc gia khác.
Bờ Biển Ngà là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn thứ ba (sau Philippines và Trung Quốc) với sản lượng đạt gần 600.000 tấn, tăng 88,4% về lượng và tăng 66,3% kim ngạch, chiếm khoảng 10% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường FTA RCEP đạt 4,07 triệu tấn, tương đương 1,92 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng, tăng 9,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 511.396 tấn, tương đương 246,92 triệu USD, tăng 34,5% về lượng và tăng 22,7% kim ngạch.
Theo nhận định của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang đứng ở mức giá khá tốt và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 428 - 430USD/tấn, gạo 25% tấm có mức giá 400 - 415USD/tấn, gạo thơm được giao dịch với giá trên 500USD/tấn. Gạo Việt Nam hiện đã cao hơn gạo Thái Lan cùng loại từ 8 – 23 USD/tấn.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, trong nhiều năm qua, trình độ sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã được nâng lên. Cùng với việc các doanh nghiệp xuất khẩu không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Giá gạo Việt Nam tăng như hiện nay đã phản ánh đúng giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho rằng, gạo Thái Lan không thể cạnh tranh được với gạo Việt Nam về cơ cấu chủng loại.
"Gạo Việt Nam rất đa dạng với nhiều chủng loại như: gạo thơm nhiều, gạo thơm nhẹ, gạo trắng hạt dài, gạo hạt tròn, trong khi gạo Thái Lan chỉ có 2 phân khúc chính là gạo thơm và gạo trắng. Hiện nay gạo Việt Nam đang bán ở mức giá trên 500USD/tấn là loại gạo trắng hạt dài, thơm nhẹ chất lượng cao hơn nhiều so với gạo trắng của Thái Lan nên giá bán cao hơn là tất yếu", ông Trung phân tích.
"Tung hết chiêu" vào cuối năm?
Nếu căn cứ sản lượng xuất khẩu bình quân 600.000 tấn gạo/tháng, thì xuất khẩu gạo 2 tháng cuối năm có thể đạt 1,2 triệu tấn. Lũy kế xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt 7,2 triệu tấn, cao hơn kế hoạch đề ra từ đầu năm khoảng 1 triệu tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Phước Thành IV, tính đến thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có đơn đặt hàng đạt gần 7 triệu tấn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu có đạt mức này hay không thì còn tùy thuộc vào nguồn hàng vì hiện nay lúa Thu đông tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng không còn nhiều, lượng gạo dự trữ ở các doanh nghiệp cũng không lớn.
"Bênh cạnh đó, với áp lực tăng chi phí đầu vào hiện nay giá gạo nội địa đã tăng rất cao, nếu ký hợp đồng xuất khẩu ngay thời điểm này mà mức giá không đạt được từ 510USD/tấn trở lên đối với gạo thơm như OM 18, OM5451 thì rủi ro cho doanh nghiệp rất cao vì bán ra giá thấp, mua vào giá cao", ông Thành nhận định.
Đại diện VFA cũng đưa ra dự báo còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm và khả năng đạt sản lượng xuất khẩu gạo 6,5 triệu tấn là trong tầm tay vì thị trường đang tốt. Tuy nhiên, để xuất khẩu gạo có thể vượt qua mốc 7 triệu tấn là không dễ do sản lượng vụ lúa Thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn nhiều trong khi vụ lúa Đông xuân thì sớm nhất cũng phải đến gần cuối tháng 12 mới bắt đầu tư hoạch.
Nhận định về tình hình thị trường xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho rằng ở thời điểm hiện tại xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi khi nhu cầu của thị trường tăng, giá tốt, chi phí logistics đã bắt đầu hạ nhiệt.Tuy nhiên, theo ông Trung thì không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng có thể tận dụng được cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu.
"Đề tận dụng được cơ hội thị trường lúc này thì doanh nghiệp phải có đủ nguồn hàng dự trữ, đồng thời cũng phải chuẩn bị được nguồn cung đầu vào cho đơn hàng tiếp theo. Vì thế chỉ có những doanh nghiệp có tổ chức được vùng nguyên liệu và có hệ thống nhà máy chế biến, bảo quản sản xuất theo quy trình khép kín thì mới dám đẩy mạnh xuất khẩu "đổi hạt" ngay thời điểm thị trường có nhiều cơ hội nhưng cũng còn nhiều ẩn số như hiện nay", ông Trung nhận định.
Link nội dung: https://tiepthiinfo.vn/xuat-khau-gao-lieu-co-lap-lai-ky-luc-cua-10-nam-truoc-a94544.html