Nguyễn Thái Luyện được áp giải đến tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khoảng 7h50 sáng 8-12, Nguyễn Thái Luyện được lực lượng công an áp giải tới tòa. Bị cáo này trông gầy hơn so với thời điểm bị bắt.
Theo đó, Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba ), Nguyễn Thái Lĩnh (tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị cáo khác bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.HCM truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (giám đốc Công ty cổ phần Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, em ruột Luyện) bị VKSND TP.HCM truy tố về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố tội rửa tiền.
Đại diện Viện kiểm sát tới tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
5 bước lừa đảo bị hại
Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho các bị hại.
Nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Nguyễn Thái Luyện đưa ra các thông tin không có thật về các "dự án" do Luyện tự đặt tên trên đất nông nghiệp, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện năm bước để các bị hại tin tưởng và nộp tiền cho Luyện qua các pháp nhân, cụ thể:
Nguyễn Thái Luyện được áp giải đến tòa sáng 8-12 - Ảnh: TUYẾT MAI
Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng, chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ "dự án" không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định theo chỉ đạo của Luyện. Tất cả các dự án đều không đăng ký với cơ quan quản lý đất đai chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc thành lập dự án.
Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các dự án, tự vẽ không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100m2 đến dưới 400m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…) dùng để quảng cáo bán sản phẩm.
Bước 4: Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án tự vẽ với Công ty Alibaba để công ty này trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật kinh doanh bất động sản mà đồng ý mua.
Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Thư ký kiểm tra thông tin bị hại, người liên quan, luật sư ở khu vực cổng tòa án sáng 8-12 - Ảnh: TUYẾT MAI
1 tháng xét xử vụ Alibaba
Các thư ký giải thích cho các bị hại đến đúng ngày xét hỏi dự kiến để tham gia phiên tòa. Còn hôm nay 8-12, Tòa chỉ cho luật sư, người liên quan vào phiên tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Để chuẩn bị cho công tác xét xử, TAND TP.HCM đã trang bị nhà bạt, quạt gió, màn hình LED cỡ lớn cho người dự tòa tiện theo dõi.
Tại khu vực sân tòa cũng đặt bục khai báo, micro, camera kết nối trực tiếp với phòng xử để các bị hại cung cấp thông tin thay vì phải ra vào phòng xử, tránh mất thời gian.
Dự kiến phiên tòa diễn ra từ 8h ngày 7-12-2022 đến ngày 6-1-2023. Địa điểm mở phiên tòa là trụ sở TAND TP.HCM (số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM).
HĐXX gồm chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Minh Châu, thẩm phán Phạm Viết Hùng và ba hội thẩm nhân dân là ông Huỳnh Trường Sơn, bà Võ Thị Nam, ông Lê Giáo. Thư ký phiên tòa là ông Lý Lê Trọng Nghĩa, bà Nguyễn Thị Oanh, ông Hồ Ngọc Trường.
Đại diện VKSND TP.HCM tham gia phiên tòa là bà Lê Thị Đông, ông Phạm Văn Hiền, ông Châu Hoàng Sơn. Ngoài ra, phiên tòa còn có 2 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân, 3 kiểm sát viên, 1 thư ký dự khuyết.
TAND TP.HCM dựng nhà bạt trong sân tòa - Ảnh: ĐAN THUẦN
Phiên tòa Alibaba được đánh giá là phiên tòa 'kỷ lục', chưa từng có tiền lệ với số lượng bút lục hồ sơ lên đến 1 triệu bút lục, đựng trong 140 thùng hồ sơ.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, có 37 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, 4 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại. Danh sách bị hại theo cáo trạng của VKSND TP.HCM xác định là 3.986 người, có 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đồng thời, kế hoạch xét hỏi đã được TAND TP.HCM thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiều người lúng túng vì tòa không nhận giữ xe
Nhiều người đến dự tòa vẫn lúng túng trước việc TAND TP.HCM không nhận giữ xe dù đã có thông báo trước đó.
Một người đến dự tòa được hướng dẫn gửi xe bên ngoài - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ghi nhận, một số điểm giữ xe xung quanh tòa vẫn có thể đáp ứng nhu cầu gửi xe cho người đến tham dự phiên tòa, cụ thể:
Điểm giữ xe tại Bảo tàng TP.HCM, số 114 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; bãi xe tại số 92 đường Lê Thánh Tôn; điểm giữ xe tại công viên Tao Đàn, số 55 đường Trương Định (cùng phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) và một số địa điểm lân cận.
Điểm giữ xe tại công viên Tao Đàn - Ảnh: Đ.T.
Hàng quán xung quanh tòa vẫn hoạt động xuyên suốt phục vụ nhu cầu của người dân.