Phối cảnh Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite tại Cụm công nghiệp Bình Nghi mở rộng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định
Dòng vốn lớn đổ về
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh này vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng cầu đường Sài Gòn - Phú Yên đầu tư dự án Khách sạn và căn hộ du lịch đa chức năng Green Quy Nhơn (tại phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn).
Theo đó, dự án sẽ xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch đa chức năng trên diện tích đất hơn 1.271m2 (đạt tiêu chuẩn 4 sao) gồm các hạng mục như: Nhà hàng ẩm thực, phòng hội nghị, spa, hồ bơi...
Dự án có quy mô 3 tầng hầm, 20 tầng nổi. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án hơn 404 tỷ đồng. Tiến độ xây dựng dự án bắt đầu từ quý 3/2022 đến quý 4/2025 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Theo ông Bay, dự án phù hợp theo định hướng, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
"Khi dự án đi vào hoạt động sẽ hình thành một khách sạn và căn hộ du lịch đa chức năng 4 sao hiện đại, góp phần phát triển du lịch của địa phương, tạo việc làm cho khoảng 134 lao động", ông Bay cho hay.
Song song đó, UBND tỉnh Bình Định cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Công nghiệp Kamado đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite tại tại Cụm công nghiệp Bình Nghi mở rộng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn).
Theo hồ sơ, Nhà máy được xây dựng trên diện tích 21,9 ha, vốn đầu tư là 998,638 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư dự án là sản xuất gạch ốp lát granite với công suất đạt 18.000.000 m2/năm. Tiến độ triển khai dự án dự kiến đến tháng 9/2024 dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Phối cảnh dự án Khách sạn và căn hộ du lịch đa chức năng Green Quy Nhơn (tại phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn). Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định
Dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp có quy mô lớn nên khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp; giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương.
Đồng thời, nâng cao trình độ lao động công nghiệp, tạo thu nhập cho lao động địa phương; góp phần xử lý vấn đề chất thải bột đá của các nhà máy chế biến đá trên địa bàn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tây Sơn nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung.
Doanh nghiệp Đức muốn lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam
Vừa qua, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại tỉnh Bình Định, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho hay, Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng đang có vị thế rất tốt so với các nước trong khu vực ASEAN.
Hiện, nhiều doanh nghiệp Đức đã thiết lập được chuỗi cung ứng tại một số nước ASEAN để phát triển. Việc thiết lập chuỗi cung ứng rất quan trọng, nhưng mất khá nhiều thời gian. Vì thế, các nhà đầu tư Đức mong muốn tìm kiếm một doanh nghiệp mạnh của Việt Nam để hợp tác, thiết lập chuỗi cung ứng ở giai đoạn ban đầu, tạo đà để phát triển.
Cánh đồng điện gió ở Bình Định. Ảnh: Dũng Nhân
"Hiện, có rất nhiều doanh nghiệp Đức đang nhắm tới các nước trong khu vực ASEAN để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, trong đó Việt Nam đang cho thấy một điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua. Chính vì thế, Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng nên tận dụng cơ hội này", ông Marko Walde nói.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, Bình Định hội tụ nhiều điều kiện về tiềm năng, thế mạnh để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Những năm gần đây, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư về hạ tầng, hiện Bình Định là một những địa phương có hạ tầng đồng bộ và phát triển, đặc biệt là về giao thông.
"Tỉnh cũng đã quy hoạch xây dựng 7 Khu công nghiệp, trong đó Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích trên 14.000 ha đã hoàn thiện và có mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư. Với những vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm, Bình Định cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để nhà đầu tư an tâm đầu tư phát triển", ông Dũng chia sẻ.
Tại sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chính thức ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty PNE AG (Đức) triển khai dự án điện gió ngoài khơi tỉnh này với tổng vốn hơn 4,6 tỷ USD.