Thị trường bất động sản vẫn giữ nhịp độ trầm lắng từ nửa cuối năm ngoái tới nay, nguyên nhân là do những thách thức, áp lực về dòng tiền đè nén khiến thanh khoản xuống thấp. Theo đó, giá đất nền tại nhiều khu vực đã giảm mạnh từ 20 - 30% so với đỉnh. Đây được đánh giá là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững vàng mua được đất với giá hời. Tuy nhiên, không phải mảnh đất nào giảm giá sâu những nhà đầu tư này cũng mua vào.
Bởi, những nhà đầu tư có tiềm lực họ luôn có tiêu chí khắt khe khi lựa chọn sản phẩm, nhất là trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng. Theo chân nhà đầu tư lâu năm tên T (sinh sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) di chuyển về các khu vực Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây (Hà Nội) tìm kiếm cơ hội mua hàng “ngộp”.
Tại khu vực Quốc Oai, môi giới giới thiệu cho anh T một mảnh đất rộng hơn 240m2 nằm ở mặt đường liên thôn thuộc xã Hòa Thạch với mức giá 3,5 tỷ đồng, tương đương 14,5 triệu đồng/m2. Mặc dù mức giá đã giảm tới 700 triệu đồng so với đầu năm 2022, song anh T cho rằng vẫn cao hơn so với 2 năm trước. Nếu đem so sánh với các lô đất khác trên địa bàn này thì không thể cho là hàng “ngộp”.
Tiếp đến, môi giới dẫn chúng tôi tới khu đất đấu giá tại xã Ngọc Mỹ, mặt tiền là trục đường Bắc - Nam kéo dài. Qua tham khảo, anh T thấy rằng, tại đây giá đất không giảm so với thời điểm đấu giá cuối năm 2021, thậm chí có phần cao hơn.
Do đó, anh T và chúng tôi tiếp tục di chuyển tới địa bàn huyện Thạch Thất. Môi giới giới thiệu cho anh T một mảnh đất trên địa bàn Tân Xã, có diện tích 60m2, với giá chỉ 11 triệu đồng/m2, mức giá này đã giảm tới 50% so với thời điểm đỉnh của cơn sốt. Tuy nhiên, vì có vị trí nằm sâu trong ngõ nên anh T vẫn từ chối mua.
Dạo quanh một vòng tại khu vực Thạch Thất, chúng tôi nhận thấy đa phần giá đất tự phân lô đã giảm khoảng 30 - 35% so với đầu năm ngoái xuống còn khoảng 10 - 18 triệu đồng/m2, song vẫn vắng khách mua. Còn những bất động sản nằm trên mặt đường lớn, tấp nập người qua lại chỉ giảm nhẹ khoảng 10% so với năm ngoái.
Đi một số khu vực tại Thạch Thất, một mảnh đất có diện tích 75m2, nằm sát đường DH10 đoạn thuộc xã Tân Xã, có giá rao bán 2 tỷ đồng lọt vào mắt xanh của anh T. Tuy nhiên, anh T vẫn muốn giảm khoảng 150 - 200 triệu đồng. Chủ đất hẹn sẽ cân nhắc và liên hệ lại sau với anh T.
“Mục tiêu của tôi là mua đất nằm ở khu vực đông dân cư, có vị trí thuận lợi và bám mặt đường chính. Tuy nhiên, nếu giá vẫn chưa giảm như kỳ vọng thì sẽ tiếp tục chờ đợi thêm”, anh T nói.
Di chuyển tới thôn Cổ Đông (Sơn Tây), chúng tôi thấy tràn lan các biển quảng cáo “bán đất”; “bán đất gấp” treo tại các cột điện ven đường. Mức giá bán tại khu vực này cũng đã giảm khá sâu so với thời điểm đầu năm ngoái. Các mảnh đất phân lô đã giảm khoảng 30% về giá từ 14 - 17 triệu đồng/m2, trong khi năm ngoái giá bán khoảng 20 - 24 triệu đồng/m2.
Thậm chí, môi giới ở khu vực này còn khẳng định: “Nếu anh xuống tiền ngay có thể thương thảo thêm với chủ đất”. Tuy nhiên, vì nhận thấy chất lượng hạ tầng của các khu đất phân lô không tốt nên anh T vẫn từ chối mua. Kết thúc một buổi theo chân nhà đầu tư, trên đường di chuyển về trung tâm Hà Nội, vừa đi anh T vừa chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn đất trong thời điểm này.
“Không phải mảnh đất nào giảm giá sâu đều có thể mua được. Có những mảnh đất dù giảm ít nhưng ưng ý tôi sẽ xuống tiền. Đi săn đất không nên chỉ quan tâm tới giá bán, mà còn pháp lý, vị trí và tiềm năng. Thực tế, lô đất có giá bán giảm sâu so với thị trường chung khi mua sẽ nhiều rủi ro. Nếu không có vấn đề chắc chắn chủ đất sẽ không phải giảm sâu hơn so với thị trường”, anh T chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.