Có lẽ việc đứa trẻ lớn lên có trở thành người tham ăn tục uống hay là người tham lam hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của cha mẹ. Ngày trước, ông ngoại tôi mỗi lần chia bánh cho hai cậu, ông đều bẻ đôi thành nửa to và nửa nhỏ. Ông hỏi cậu lớn “muốn ăn nửa nào”, cậu lớn trả lời:
- Con ăn nửa to!
Ông lại hỏi cậu bé “ muốn ăn nửa nào”, cậu bé “cao tay” hơn trả lời:
- Con ăn hai nửa nhỏ!
Ông mỉm cười nói với các con chỉ được phép chọn một, nhưng anh như vậy là chưa biết nhường em, còn em như vậy là “ăn tham sang phần của người khác”. Ông chỉ muốn các con tự giác thôi chứ không để đứa nào thiệt, nếu lần này ăn phần bé thì lần sau ông sẽ bù phần to hơn…
Lại nhớ chuyện thích ăn đùi gà của các cậu nhà tôi, có lần chị chồng tôi gửi con trai từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và cháu ở lại nhà tôi. Tôi mua gà nướng, món khoái khẩu của các cậu nhà mình. Bình thường do chiều con, tôi bao giờ cũng chặt hai đùi dành riêng cho hai cậu quí tử, bố mẹ chỉ ăn phần xương xẩu. Lần này có thêm “ khách quí” mà cậu nào cũng thích ăn đùi, chẳng đứa nào chịu ăn cánh, thế là hai con trai của tôi và cháu trai con chị cùng phụng phịu không ai chịu ai. Cuối cùng, bà nội các cháu phải dỗ dành, động viên mãi cậu bé nhất mới chịu nhường phần đùi cho các anh và vừa ăn cánh, vừa nước mắt lưng tròng. Tôi kể chuyện này cho cô bạn thân, nó bảo:
- Lần sau mua con gà nào có ba đùi ấy!
Nói vậy thôi, từ lần đó tôi đã rút ra bài học về chiều con của mình. Muốn con không ăn tham và biết nghĩ đến người khác thì hãy chặt cả con gà ra, đùi cánh đều chặt miếng nhỏ để người già người trẻ đều được ăn miếng ngon. Dù người già muốn nhường cháu miếng ngon thì cũng phải ăn “làm phép” một miếng rồi mới nhường con cháu. Vậy đấy, nhiều khi sự nhường nhịn, nuông chiều của người lớn lại làm con trẻ “ăn tham” và thêm nhiều tính xấu các bạn ạ ./.
Thanh Thủy