Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Ghi nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch COVID-19
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức, cá nhân thành viên của Mặt trận.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trên thế giới, cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong khi nhiều quốc gia kinh tế tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm.
Cử tri, nhân dân đánh giá cao và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự quyết liệt trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc chủ động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị của các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cùng kinh nghiệm chống dịch và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã kịp thời ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh. Cử tri, nhân dân tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, biết ơn những nỗ lực, hy sinh của các lực lượng phòng, chống dịch, nhất là của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên ngành Y tế, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở và nhiều lực lượng khác. Đồng bào ta bày tỏ sự xúc động, biết ơn Đảng, Nhà nước, trong lúc dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, điều kiện hết sức khó khăn nhưng vẫn có các giải pháp bảo hộ công dân, hỗ trợ, đón đồng bào ở nước ngoài về nước, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tình nghĩa đồng bào, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Phục hồi nền kinh tế kịp thời
Về sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, cử tri, nhân dân cả nước đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đã chung sức, đồng lòng cùng người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp để duy trì, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020 cho thấy, GDP quý III/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý II/2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,88%. GDP 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,12%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30,05 tỷ USD (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019). Lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,59% so với cùng kỳ.
Cử tri và nhân dân phấn khởi ghi nhận những quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã ban hành Nghị quyết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, góp phần tập trung giải quyết khó khăn và tạo cơ chế, chính sách để các khu vực này phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID-19 thời gian qua còn chậm. Một số nơi còn xảy ra thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng. Việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động còn rất bất cập. Hầu hết doanh nghiệp và nhiều người dân đến nay vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ khách sạn, vận tải. Một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm dẫn đến không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp. Ngành Công nghiệp mặc dù đã được đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng còn rất khó khăn do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; hoạt động thương mại và dịch vụ giảm. Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp; các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn.
Tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội
Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, các địa phương đã quan tâm hơn trong giải ngân vốn đầu tư, góp phần tạo việc làm, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, củ tri và nhân dân còn bức xúc về một số dự án đầu tư công tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công; khẩn trương khắc phục tình trạng sử dụng đất đai kém hiệu quả.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; có các giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não do vi rút, bệnh bạch hầu.
Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án lớn, đồng thời quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế trọng điểm.
Củ tri và nhân dân cả nước đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi, giám sát việc giải quyết các vụ án lớn, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân...
PV