Cuộc chiến pháp lý của TT Trump có lên được Tòa Tối cao không?

Admin

07/11/2020 20:32

Các chuyên gia cho rằng Tòa án Tối cao Mỹ sẽ không can dự vào cuộc chiến pháp lý về kiểm phiếu cho đến khi xuất hiện 1 bang có khả năng ảnh hưởng quyết định đến kết quả chung cuộc.

Tổng thống Donald Trump vẫn còn cơ hội lấy hơn 270 phiếu đại cử tri và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, theo CBC. Tuy nhiên, với mong muốn đảm bảo chiến thắng, ủy ban tranh cử của ông đang phát động một cuộc chiến pháp lý nhắm vào kết quả kiểm phiếu tại một số bang.

Chiến dịch phần lớn tập trung ở những bang tranh chấp đang cạnh tranh quyết liệt hoặc những nơi ông Joe Biden được các hãng tin tuyên bố đã chiến thắng. Mục tiêu là chặn kiểm số phiếu chưa được thống kê, hoặc yêu cầu "minh bạch hóa" trong giám sát quy trình kiểm phiếu.

Nathaniel Persily, giáo sư luật Đại học Stanford, gọi đây là "chiến lược tiền tố tụng" vì thực chất kết quả bầu cử tại các bang phải vài tuần nữa mới chính thức được xác nhận.

"Vào thời điểm này, chúng ta không biết đâu là 'phiếu bấm dở' của cuộc bầu cử năm 2020", Persily đề cập đến câu chuyện tranh cãi phiếu bầu bị tính thiếu trong cuộc đua George W. Bush - Al Gore năm 2000.

Cuoc chien phap ly cua Tong thong Trump anh 1

Còn 5 bang chưa kiểm xong phiếu bầu (Alaska, Nevada, Pennsylvania, North Carolina và Georgia), trong đó có đến 3 bang phe ông Trump đã gửi đơn kiện. Đồ họa: Zing.

Georgia

Tại bang này, phe ông Trump đã gửi đơn kiện ở hạt Chatham, đề nghị tòa án đảm bảo việc kiểm phiếu bầu vắng mặt được thực hiện đúng theo luật pháp bang. Khiếu nại này đã bị tòa bác vào sáng 5/11.

Đơn kiện nêu quan ngại về 53 phiếu bầu vắng mặt. Số phiếu này được những người giám sát bầu cử phát hiện không nằm trong những lô phiếu hợp lệ. Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương khẳng định 53 phiếu này được tiếp nhận đúng thời hạn.

Ông Trump dẫn trước ở Georgia vài ngày qua nhưng vừa bị ông Biden vượt lên, dẫn trước 917 phiếu. Bang này vốn được xem là trung thành với đảng Cộng hòa và có 16 phiếu đại cử tri.

Michigan

Hãng tin AP đêm 4/11 tuyên bố phần thắng ở Michigan cho ông Biden. Bang này có 16 phiếu đại cử tri và là ưu tiên của ứng viên đảng Dân chủ nhằm đạt 270 phiếu để đắc cử.

Phe ông Trump đã gửi đơn kiện cho rằng Thư ký trưởng Jocelyn Benson của bang Michigan cho kiểm phiếu vắng mặt mà không có nhóm giám sát viên từ cả hai đảng.

Giáo sư luật Nick Stephanopolous của Đại học Havard đánh giá đây là động thái pháp lý rất nhỏ lẻ. Theo ông, mục tiêu nhắm đến của đơn kiện rất hẹp. Cáo buộc khẳng định "một giám sát viên đảng Cộng hòa từ một vùng nông thôn đã không được tiếp cận như kế hoạch". Tuy nhiên, thực tế là điều này không ảnh hưởng đến số phiếu bầu.

Đơn khiếu nại cũng bị tòa bác vào chiều 5/11. Ông Biden đang dẫn trước đối thủ đến 150.000 phiếu, trong khi bang Michigan đã kiểm xong gần 99% tổng số phiếu toàn bang.

Cuoc chien phap ly cua Tong thong Trump anh 2

Ông Biden được tuyên bố thắng ở Wisconsin nhưng phe ông Trump đang đòi kiểm phiếu lại. Đồ họa: Minh Hồng.

Nevada

Cũng trong ngày 5/11, phe ông Trump tuyên bố sẽ có bước đi pháp lý ở Las Vegas. Theo đại điện cho tổng thống Mỹ, có hàng nghìn phiếu bầu đã được gửi từ những người không còn sống tại Nevada.

Ông Trump muốn dừng kiểm phiếu bầu vắng mặt ở hạt Clark. Tuy nhiên, cả hai khiếu nại trước đó đều bị tòa bác.

Bang Nevada có 6 phiếu đại cử tri. Chỉ cần giành chiến thắng tại bang này, ông Biden sẽ cán mốc 270 phiếu đại cử tri cần để đắc cử. Tính đến đêm 5/11, ông đang dẫn trước đối thủ hơn 11.000 phiếu.

Pennsylvania

Tương tự Michigan, các đại diện của ông Trump đòi tăng quyền tiếp cận cho giám sát viên ở một loạt địa phương.

Họ cũng tìm cách can thiệp một vụ kiện ở Tòa án Tối cao Pennsylvania, liên quan đến quyết định cho nhận phiếu bầu qua đường bưu điện trong thời hạn 3 ngày sau ngày bầu cử toàn quốc.

Phe ông Trump đã muốn đảo ngược quyết định này từ trước ngày 3/11. Tuy nhiên, tòa án bang đã ủng hộ chính quyền bang Pennsylvania, lấy lý do người dân cần nhiều phương án bỏ phiếu vì đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho bầu cử.

Chiến dịch của ông Trump còn đánh vào Philadelphia, thành trì của đảng Dân chủ. Họ đòi hoãn kiểm phiếu chừng nào giám sát viên đảng Cộng hòa chưa được đến sát khu vực xử lý phiếu bầu.

Một tòa án ở Pennsylvania đã ủng hộ phe ông Trump, nhưng trát tòa không lâu sau bị vô hiệu bởi Tòa án Tối cao tại bang này. Các luật sư của ông Trump kiện tiếp lên tòa án liên bang nhưng cũng thất bại.

Tổng thống Trump đang dẫn trước ở bang chiến trường phía đông bắc nước Mỹ. Dù vậy, khoảng cách giữa ông với đối thủ đang bốc hơi nhanh chóng. Từ gần 700.000 phiếu nhiều hơn vào sáng 4/11, tính đến tối 5/11 ông Biden đã đuổi sát tổng thống Mỹ với cách biệt hơn 18.000 phiếu.

Cuoc chien phap ly cua Tong thong Trump anh 3

Người ủng hộ Tổng thống Trump biểu tình ngay trước điểm kiểm phiếu Philadelphia, bang Pennsylvania, ngày 5/11. Ảnh: Reuters.

Wisconsin

Ủy ban tranh cử của Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ đòi kiểm phiếu tại Wisconsin. Quản lý chiến dịch Bill Stepien cho rằng một số hạt có dấu hiệu bất thường nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Theo luật bang, ứng viên thất cử chỉ được đòi kiểm phiếu lại nếu cách biệt với người đắc cử thấp hơn 1 điểm %. Với toàn bộ phiếu bầu đã được thống kê tại các hạt, ông Biden đang hơn đối thủ chỉ 0,6 điểm %.

Các hạt sẽ tiếp tục quy trình kiểm tra lại cho đến ngày 17/11. Hạn chót để Wisconsin chứng nhận kết quả kiểm phiếu là ngày 1/12.

Khi nào lên Tòa Tối cao?

Vào đêm bầu cử toàn quốc, Tổng thống Trump đã bóng gió sẽ đưa vấn đề kiểm phiếu lên đến Tòa án Tối cao Mỹ. Cơ quan tư pháp cao nhất cả nước đang có số thẩm phán bảo thủ áp đảo phe cấp tiến. Phán quyết cuối cùng vì vậy có khả năng có lợi cho ông Trump.

Tuy nhiên, một số chuyên gia luật nhận định việc nhờ Tòa án Tối cao Mỹ can thiệp ngay thời điểm này sẽ là bước đi quá hấp tấp. Phe ông Trump mới gửi đơn kiện ở tòa án cấp bang, viện dẫn luật pháp cấp bang. Để đến được Tòa án Tối cao Mỹ, họ phải tìm ra góc tiếp cận theo luật pháp liên bang hoặc hiến pháp, rồi kiện lên các tòa án cấp liên bang.

"Tòa án Tối cao Mỹ không muốn dính quá sâu vào những tranh chấp nào không thể ảnh hưởng đế kết quả bầu cử. Trừ trường hợp một trong những bang này có kết quả quá sít sao, đồng thời đơn kiện phải liên quan đến rất nhiều phiếu bầu, tôi không nghĩ Tòa án Tối can muốn đụng đến", Stephanopoulos nhận định.

Richard Hasen, giáo sư luật Đại học California, cho rằng đơn kiện của phe ông Trump phải nhắm đến một bang có khả năng định đoạt ứng viên đắc cử. Vào thời điểm này, ông nhận thấy thời cơ không chín mùi cho tổng thống Mỹ.

Lần gần nhất Tòa án Tối cao Mỹ can thiệp vào kết quả bầu cử là năm 2000 và chỉ liên quan đến Florida. Trong khi đó, ông Biden đang đứng trước nhiều bang có thể mang đến cho mình đủ hoặc hơn 270 phiếu đại cử tri.

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chiến pháp lý của TT Trump có lên được Tòa Tối cao không?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.