Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển điện năng lượng mặt trời

Admin

28/10/2020 14:03

Với số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89 kWh/m2/ngày, Đà Nẵng có tiềm năng lớn để phát triển điện năng lượng mặt trời. Việc phát triển điện mặt trời sẽ tạo nguồn năng lượng sạch góp phần phát triển bền vững tại địa phương này.

Ngày 27/10, hội thảo tổng kết dự án phát triển năng lượng mặt trời (NLMT) tại TP. Đà Nẵng do Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức. Tại hội thảo, các đơn vị tham gia dự án đều nhận định TP. Đà Nẵng có tiềm năng phát triển, khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời để phát triển trong tương lai.

Theo số liệu khảo sát, bức xạ mặt trời trung bình hằng năm tại Đà Nẵng là 4,8kWh/m2/ngày, trong đó lượng bức xạ mặt trời cao nhất vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, số giờ nắng của TP. Đà Nẵng đạt xấp xỉ 2.100 giờ/năm.

Hiện nay, có ba loại bình điện mặt trời (ĐMT) là: ĐMT trên mặt đất, ĐMT trên mặt nước, ĐMT trên mái nhà.

Đối với ĐMT trên mặt đất, TP. Đà Nẵng có diện tích không lớn nên khả năng đất trống để lắp đặt loại hình này khó khả thi. Theo đó, đối với ĐMT trên mặt đất, Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng kết hợp với đất sản xuất và trên các khu đất trống không có giá trị phát triển kinh tế, như: kết hợp trang trại nông nghiệp công nghệ cao với năng lượng mặt trời áp mái nhằm tăng giá trị khai thác trên cùng một diện tích đất; lắp đặt ĐMT gắn với phát triển nông nghiệp tại các khu vực mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Hoà Vang sau khi đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

dien-mat-troi

Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển điện năng lượng mặt trời.

Đối với ĐMT trên mặt nước, TP. Đà Nẵng có hơn 546 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản, ngoài ra còn có 25 đập dâng thuỷ lợi, 19 hồ chứa nước thuỷ lợi, nhiều hồ nhân tạo, hồ xử lý nước thải và diện tích mặt nước vùng biển gần bờ, mặt sông lớn nên có khả năng phát triển được loại hình này.

Đối với ĐMT trên mái nhà, theo số liệu đo đạc tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), tiềm năng lý thuyết về tổng diện tích khả dụng lắp đặt điện mặt trời áp mái là 1.285km2, với tổng 1.140MW, điện năng tạo ra hằng năm là 3.088.135 MWh.

Tuy nhiên, thực tế lắp đặt ĐMT trên mái nhà của TP. Đà Nẵng trong thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng. Đến tháng 9/2020, tổng công suất lắp đặt ĐMT mái nhà khoảng 20MW.

Ông Thái Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng - Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân hạn chế là do cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phảt triển ĐMT trên mái nhà của cấp có thẩm quyền còn nhiều hạn chế. Chi phí đầu tư hệ thống ĐMT còn cao, thời gian thu hồi vốn tương đối dài.

“Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thiếu thông tin về lợi ích của ĐMT. Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc trong việc hỗ trợ phát triển ĐMT mái nhà…”, ông Hùng cho hay. 

Theo ông Hùng, lộ trình phát triển điện năng lượng mặt trời giai đoạn 2025-2035 tại Đà Nẵng gồm 4 lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ thương mại, khu vực dân cư và khu vực công.

Theo đó, đối với khu vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển điện NLMT tại các cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn TP, đặc biệt tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Đà Nẵng sẽ khuyến khích, ưu tiên phát triển tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, nhất là các khu khách sạn du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.

Đối với khu vực công, thành phố thực hiện đề án cho thuê mái nhà tại trụ sở công để lắp đặt ĐMT theo hình thức đấu giá quyền khai thác tài sản công hoặc đầu tư công.

Đối với khu vực dân cư, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hộ gia đình đầu tư lắp đặt ĐMT, hướng tới hình ảnh thành phố môi trường và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển ĐMT áp mái tại các khu đô thị sinh thái và tại các dự án bất động sản trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thu, Quản lý dự án phát triển NLMT tại Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Qua đó, tiềm năng từ NLMT để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày. Như vậy, Đà Nẵng có tiềm năng lớn và phù hợp để phát triển NLMT ở cả thời điểm hiện tại và tương lai.

“TP. Đà Nẵng cần có cơ chế khuyến khích cụ thể về vốn đầu tư, cơ chế mua bán, đấu nối điện để người dân, doanh nghiệp mạnh dạn lắp đặt hệ thống điện NLMT”, bà Thu cho hay.  

Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án về sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua ứng dụng năng lượng tái tạo với các hoạt động thiết thực. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ để có nhiều hộ gia đình sử dụng điện năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố.

EU hỗ trợ Đà Nẵng lắp đặt 14 hệ thống điện năng lượng mặt trời

Dự án phát triển NLMT tại Đà Nẵng (DSED) do EU tài theo hình thức vốn ODA. Theo đó, dự án phát triển NLMT tại Đà Nẵng được triển khai từ 7/2017-10/2020 với tổng vốn trị giá 444.000 Euro.

Qua 3 năm triển khai, dự án đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch trên cơ sở phát triển bền vững tại TP. Đà Nẵng.

Đặc biệt, dự án đã triển khai lắp đặt 14 hệ thống điện NLMT tại các cơ sở công, hộ gia đình từ nguồn vốn của EU với tổng công suất lắp đặt 70,5kWP góp phần lan tỏa và nhân rộng ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời sạch và bền vững tại TP. Đà Nẵng.

Bà Cecile Leroy, Quản lý chương trình, Phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của các đơn vị trong quá trình triển khai dự án tại TP. Đà Nẵng vì sự phát triển bền vững.

Theo bà Cecile Leroy, trong vòng 7 năm qua, EU đã hợp tác với Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng trong lĩnh vực năng lượng cho chúng ta thấy năng lượng mặt trời, năng lượng sạch đang dần được hiện thực hóa và thông qua dự án này, không chỉ giúp giảm phát thải nhà kính và còn tiết kiệm được kinh phí. Các kết quả đáng quan trọng của dự án mang tính dẫn dắt cho các dự án về sau.

Bạn đang đọc bài viết "Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển điện năng lượng mặt trời" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.