Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng: quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách và thanh tra kiểm tra. Việc tham mưu chính sách trong vấn đề giá điện thực hiện đúng quy định của luật pháp hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá.
“Chúng tôi tự thấy trong tham mưu xây dựng chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện thực hiện tuân thủ theo luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực, Luật Giá. Theo đó, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước", ông Diên nói.
Ông Diên phân tích, điện là một trong số mặt hàng bình ổn giá, chịu sự quản lý của Nhà nước. Vì thế, các chi phí đầu vào cho sản xuất điện theo thị trường, tức nguyên liệu như than, dầu, khí...được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua từ các đơn vị cung ứng theo giá thị trường. Nhưng đầu ra - giá bán lẻ điện - phải bình ổn để tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Diên, giá điện chưa theo thị trường cũng là lý do khiến ngành điện bị lỗ. " Như tôi đã có một lần báo cáo với Quốc hội, chênh lệch giá mua vào và bán ra của EVN đã khoảng 208 - 216 đồng/kWh ", ông Diên thông tin thêm.
Hai năm gần đây, Tập đoàn EVN lỗ khoảng 47.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 là hơn 36.000 tỷ đồng và 2023 gần 26.000 tỷ. 2023 cũng là năm thứ hai EVN lỗ từ sản xuất kinh doanh điện. Số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành. Hồi đầu năm nay, mỗi kWh bán ra doanh nghiệp lỗ gần 142,5 đồng.
Để rà soát, sửa đổi cơ chế nhằm giúp EVN không thua lỗ trong tương lai, Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới đây.
Việc sửa đổi theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện; tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện, trong đó có giá sản xuất, điều độ và vận hành hệ thống điện…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Chính phủ vừa có quyết định đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương, điều này sẽ đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ vận hành hệ thống điện. Đồng thời Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn; sắp ban hành nghị định về khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái…Những biện pháp này từng bước làm thị trường điện hoàn hảo hơn.
Cán bộ quản lý thị trường bảo kê sai phạm?
Tham gia chất vấn, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho biết, theo báo cáo số 318 ngày 14/6/2024 của Chính phủ, một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thị trường là một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt là có trường hợp bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng bảo kê trên và giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới.
Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, cán bộ quản lý thị trường có thẩm quyền, có trách nhiệm quyết định việc xử phạt hay không. Do tính chất này nên ngành công thương thường xuyên luân chuyển vị trí này và quy trách nhiệm cho người đứng đầu, tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách trong việc thanh tra, giám sát và xử lý những cá nhân vi phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định ngành công thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, quản lý và tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm…