Doanh nghiệp tái đề xuất các chính sách giảm mạnh áp lực chi dòng tiền

Admin

23/10/2020 07:54

Hơn 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã phải tạm dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, dòng tiền, 2% doanh nghiệp đã giải thể.

doanh nghiep tai de xuat cac chinh sach giam manh ap luc chi dong tien

Đây là những tác động hết sức nặng nề theo kết quả khảo sát tác động bùng phát dịch Covid lần thứ 2 đối với doanh nghiệp vừa được Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố.

Trong bối cảnh này, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất áp dụng các giải pháp giảm mạnh áp lực chi dòng tiền để có thể phục hồi.

Căng thẳng cân đối dòng tiền

Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp đang hết sức quan ngại trước những thách thức lớn nhất phải đối mặt trong tình hình hiện nay và đặc biệt là 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, 81% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, 72% trong số này lo ngại không thể đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, 53% doanh nghiệp khó khăn liên quan đến trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi. Ngoài ra còn là các vấn đề về chi phí điện nước và nhiên liệu đầu vào, tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị…

Đặc biệt, phản hồi các vấn đề liên quan đến dòng tiền vào và ra của doanh nghiệp, hầu hết các ý kiến trả lời đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Covid-19 gây thiệt hại trên diện rộng các ngành và mọi quốc gia, nhiều doanh nghiệp phá sản, các chuỗi cung bị đứt gãy, thị trường khủng hoảng và sút giảm nặng nề sức mua... dẫn tới nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán hoặc chậm trễ thanh toán dù đã nhận hàng.

Vấn đề này tác động trực tiếp đến dòng tiền vào của các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng cũng như các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trung gian/liên quan.

Điều này gây ra “áp lực kép” cho doanh nghiệp bởi vẫn phải đảm bảo các khoản “chi ngay” cho nguyên, nhiên liệu đầu vào, chi nhân công...

Cụ thể, theo kết quả khảo sát, có tới 76% số doanh nghiệp trả lời hiện không cân đối được thu chi, trong đó 54% doanh nghiệp có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí. Chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời có dòng tiền vào đáp ứng trên 75% chi phí. Kết quả này hoàn toàn tương đồng với nhóm khó khăn lớn nhất “không có đơn hàng/khách hàng” mà các doanh nghiệp, hiệp hội đã phản ánh.

Thực tế này cho thấy, cân đối được dòng tiền vào với chi phí của doanh nghiệp là bài toán lớn nhất hiện nay. Doanh nghiệp có dòng tiền vào đáp ứng trên chi phí càng thấp thì mức độ tổn thương do dịch bệnh kéo dài hoặc nguy cơ phá sản càng cao.

doanh nghiep tai de xuat cac chinh sach giam manh ap luc chi dong tien

Nguy cơ giải thể, cắt giảm lao động gia tăng

Liên quan đến sức khỏe và khả năng duy trì tồn tại của doanh nghiệp, Ban IV cho biết, so sánh với số liệu công bố trên Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp và tính toán của Văn phòng Ban IV, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tính chung cả 8 tháng đầu năm 2020 là 3,2% tổng số doanh nghiệp toàn quốc.

Cụ thể, Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) ước khoảng 20% doanh nghiệp thành viên phải tạm ngừng một phần hoạt động kinh doanh. Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) ước khoảng 2% doanh nghiệp thành viên tạm dừng hoạt động. Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) ước khoảng 20% doanh nghiệp thành viên (khoảng 1.600) tạm dừng hoạt động và 10% doanh nghiệp giải thể.

Đối với số liệu các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, kết quả khảo sát cho thấy, dưới tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai đã khiến 20%doanh nghiệp trả lời phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh. So sánh với số liệu công bố trên Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp và tính toán của Văn phòng Ban IV, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tính chung cả 8 tháng đầu năm 2020 là 4,5%.

Đáng chú ý, theo tính toán của Văn phòng Ban IV, tỷ lệ doanh nghiệp “biến mất” (không đăng ký thay đổi địa chỉ hay tạm ngừng hoạt động nhưng cơ quan thuế không liên lạc được) là 4% số doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2019, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này có thể là một chỉ báo cho thấy số lượng doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong các tháng tiếp theo của năm 2020 sẽ tăng mạnh, bởi đợt bùng phát dịch lần 2 diễn ra ở thời điểm cận cuối tháng 7, đầu tháng 8.

Đồng thời, nếu số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh này không cơ cấu lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh và bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài thì dự báo số lượng doanh nghiệp chờ giải thể có thể tăng cao tương ứng vào các tháng cuối năm và đầu năm tới.

Liên quan đến vấn đề lao động, khảo sát của Ban IV cho thấy, tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai đã khiến hơn 47% doanh nghiệp trả lời phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33% số doanh nghiệp trả lời. Có 27% số doanh nghiệp trả lời duy trì lao động nhưng giảm lương và giảm giờ làm.

Đặc biệt, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không có khách hàng nên theo kết quả phỏng vấn trực tiếp Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (VITA), các doanh nghiệp siêu nhỏ/nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé thì phần lớn sa thải 100% lao động, đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động, đối với các doanh nghiệp du lịch lớn thì mức trung bình đã sa thải cũng khoảng 40-50% lao động.

Ngoài ra, việc cắt giảm lao động cũng là động thái chung của nhiều doanh nghiệp thành viên thuộc nhiều hiệp hội ngành nghề lĩnh vực khác. Đơn cử như doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (VINAFRUIT) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cắt giảm khoảng 10% lao động; Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPAS) cho biết các doanh nghiệp lớn cắt giảm 30 - 60% lao động; Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết các doanh nghiệp cắt giảm đội ngũ bán hàng khoảng 5-7%; Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp thành viên là dao động từ 10 - 30%; Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) là 20 - 40% lao động.

Tình trạng này cũng tương ứng với số liệu về người thất nghiệp mà Tổng cục Thống kê công bố gần đây và đây được dự báo sẽ là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy lớn đối với các vấn đề xã hội khi hàng chục triệu lao động mất việc làm.

doanh nghiep tai de xuat cac chinh sach giam manh ap luc chi dong tien

Thay đổi tiếp cận lựa chọn chính sách, giảm áp lực chi cho doanh nghiệp

Một vấn đề rất đáng lưu tâm là tại khảo sát lần này, theo Ban IV, đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội khi được hỏi ý kiến về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới.

Doanh nghiệp cho biết, còn khó tiếp cận các chính sách của Chính phủ bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn...

Họ không còn hào hứng đưa ra giải pháp, kiến nghị cho Chính phủ và thậm chí đại diện một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng vì “kiến nghị nhiều lần nhưng gần như không có sự thay đổi”. Đây cũng là một phần hệ lụy của việc nhiều doanh nghiệp hiện đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch, đứng trước áp lực về dòng tiền, về sự bất định của tương lai khiến góc nhìn của doanh nghiệp có xu hướng trở nên tiêu cực hơn.

Trước tình trạng này, trong kiến nghị gửi tới Chính phủ, Ban IV kiến nghị chính sách của Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên làm ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khuyến nghị cần thay đổi cách tiếp cận và các lựa chọn chính sách đối với doanh nghiệp. Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, cần có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để doanh nghiệp cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, duy trì sản xuất/kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp và các hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ áp dụng mạnh hơn việc miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản tiền phải nộp trong năm 2020 - 2021, như các loại tiền bảo hiểm, tiền thuế, phí với nhà nước, tiền thuê đất, tiền lãi vay ngân hàng, kinh phí công đoàn...

Bởi dù ở kịch bản lạc quan là dịch bệnh có khả năng khống chế được trong một vài tháng tới thì mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của doanh nghiệp vẫn được dự báo sẽ phải kéo dài tới ít nhất là hết năm sau.

Trong khảo sát lần này, bên cạnh khảo sát trực tiếp khoảng 350 doanh nghiệp, Văn phòng Ban IV đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo của 15 hiệp hội Doanh nghiệp trong nước, đại diện cho 15.000 doanh nghiệp và hơn 5.000 cá nhân thành viên, từ cả ba khu vực của nền kinh tế bao gồm hầu hết các lĩnh vực ngành nghề chính.

Tỷ lệ các doanh nghiệp trả lời khảo sát phân theo ba khu vực chính của nền kinh tế gồm khu vực I (nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản) chiếm 10%, khu vực II (công nghiệp và xây dựng) chiếm 19% và khu vực III (dịch vụ) chiếm 71%. Đáng chú ý là các doanh nghiệp thuộc ngành Du lịch (dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống) chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát, tới 28%.

Lịch chốt quyền cổ tức bằng tiền của 9 doanh nghiệp

Thêm 9 doanh nghiệp trong đó có THG, VGT, RTB, CTT, GLT, C69, XLV,... vừa công bố lịch chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền ...

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Hãy bắt đầu từ khoản đầu tư nhỏ!

Theo ông Nguyễn Vũ Long, Giám đốc Khối Thị trường vốn, Công ty Chứng khoán VNDirect, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nên bắt ...

Điều tra đột xuất đánh giá tác động của COVID-19 đối với doanh nghiệp

Cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cũng ...

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp tái đề xuất các chính sách giảm mạnh áp lực chi dòng tiền" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.