Đồng Nai gấp rút mở rộng hàng nghìn ha đất công nghiệp

Admin

24/11/2020 08:03

Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai xác định công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực phát triển chính, từ đó tập trung phát triển đất công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Đồng Nai gấp rút mở rộng hàng nghìn ha đất công nghiệp

Miền Bắc Miền Nam

Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai xác định công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực phát triển chính, từ đó tập trung phát triển đất công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ tập trung phát triển thêm khoảng 6.500 ha đất công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Hiện nay, các huyện đã sắp hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 để trình thẩm định và phê duyệt. Trong đó, các huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh đều cập nhật thêm diện tích đất công nghiệp.

Vì thế giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ triển khai thêm khoảng 8 khu công nghiệp (KCN) mới và mở rộng thêm 3 KCN.

Các KCN dự tính được đầu tư mới có tổng diện tích trên 4.300 ha gồm có: KCN đô thị dịch vụ Xuân Quế (Cẩm Mỹ); KCN Hàng Gòn (Long Khánh); KCN Bàu Xéo 2 (Trảng Bom); KCN Phước Bình 2, Phước Bình 3, Phước Bình 4, KCN dịch vụ đô thị Bình An (Long Thành) và KCN dịch vụ cảng Phước An (Nhơn Trạch). Đồng thời, tỉnh cũng quy hoạch mở rộng thêm 3 KCN với 745 ha là: KCN Dầu Giây, KCN Long Khánh mở rộng (Thống Nhất) và KCN Tân Phú (Tân Phú).

tm-img-alt Khu công nghiệp Amata tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: TL)

Bên cạnh đó, hiện tỉnh gấp rút hoàn tất thủ tục đầu tư 3 KCN đã được Chính phủ phê duyệt là: KCN Cẩm Mỹ (Cẩm Mỹ), KCN Gia Kiệm (Thống Nhất) và KCN Phước Bình (Long Thành). Các huyện, thành phố gấp rút hoàn thành 23 cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn vào sản xuất.

Khoảng 3-4 năm trở lại đây, TP.Long Khánh thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào 2 KCN Suối Tre và Long Khánh. Hai KCN này đã gần lấp đầy nên TP.Long Khánh đề xuất mở rộng KCN Long Khánh thêm 500 ha thuộc địa bàn xã Xuân Thiện (Thống Nhất) và thêm KCN Hàng Gòn 300 ha.

Ngoài ra, Công ty CP Amata Việt Nam cũng đề xuất quy hoạch mở rộng khu công nghiệp thêm 27,2 ha với cơ cấu sử dụng đất gồm 18,5 ha đất công nghiệp, 5,4 ha đất cây xanh, 3,3 ha đất giao thông, bến bãi. Sau khi mở rộng, KCN Amata có diện tích hơn 540 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chỉ đạo các sở, ngành phải phối hợp với địa phương quy hoạch, thực hiện nhanh hạ tầng kỹ thuật các KCN để đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam. Hiện nay, có 3 KCN có thể triển khai nhanh là Phước An, Phước Bình và Cẩm Mỹ.

Các KCN trên địa bàn tỉnh muốn mở rộng, xây dựng mới phải thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình. Lâu nay, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án thường kéo dài hơn thời gian quy định dẫn đến các dự án triển khai chậm.

Theo các doanh nghiệp, muốn các KCN sớm hoàn thành hạ tầng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp, các địa phương cần làm nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho nhà đầu tư xây dựng. Một số KCN mở rộng, đầu tư mới, thực trạng đất đai chủ yếu là đất trồng cây cao su của các công ty nên rất thuận lợi trong công tác bồi thường.

Hà Bùi

Bạn đang đọc bài viết "Đồng Nai gấp rút mở rộng hàng nghìn ha đất công nghiệp" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.