Đột ngột bị Nga cắt nguồn cung dù đã cung cấp suốt 50 năm, quốc gia EU tìm ngay được mỏ khí đốt khủng với trữ lượng 100 tỷ m3

Admin

05/12/2024 04:16

Tập đoàn OMV của Áo mua khí đốt nhưng không trả tiền, Nga lập tức cắt nguồn cung.

Đột ngột bị Nga cắt nguồn cung dù đã cung cấp suốt 50 năm, quốc gia EU tìm ngay được mỏ khí đốt khủng với trữ lượng 100 tỷ m3- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo EADaily, tập đoàn dầu khí OMV của Áo đang phát động chiến dịch phát triển một mỏ lớn ở khu vực Biển Đen tại Romania sau khi bị Nga cắt nguồn cung khí đốt kể từ ngày 16/11.

Giàn khoan bán chìm Transocean Barents ký hợp đồng với OMV của Áo đã đến Constanta, Romania. Từ tháng 1/2025, giàn khoan này sẽ bắt đầu chiến dịch khoan tại Deepwater Neptune (Neptun Deep), nơi có trữ lượng ước tính khoảng 100 tỷ m3 khí đốt.

“Sự xuất hiện của giàn khoan đánh dấu một bước quan trọng trên con đường phát triển dự án khí đốt nước sâu ngoài khơi đầu tiên ở Romania cùng với đối tác Romgaz của chúng tôi. Neptun Deep là dự án chiến lược với Romania và EU”, Cristina Vercere, Giám đốc điều hành của Công ty Romania của OMV - OMV Petrom, cho hay.

Mỏ Deepwater Neptune thuộc sở hữu của OMV và công ty nhà nước Romgaz của Romania. Một mỏ nước sâu đã được phát hiện ở đây năm 2011 và dự kiến khai thác vào cuối những năm 2020. Tuy nhiên, quốc hội Romania đã thắt chặt luật thuế với các công ty dầu khí và OMV hoãn vô thời hạn việc thông qua quyết định đầu tư.

Từ năm 2022-2023, chính sách thuế thay đổi. OMV lên kế hoạch đầu tư 4 tỉ euro cùng với Romgaz cho mỏ này và dự kiến nhận lượng khí đầu tiên vào năm 2027. Sản lượng hàng năm tại mỏ mới ước tính khoảng 3 tỉ m3. Việc khai thác sẽ là lần đầu tiên một mỏ lớn được đưa vào hoạt động trong vài thập kỷ qua ở châu Âu.

Đột ngột bị Nga cắt nguồn cung dù đã cung cấp suốt 50 năm, quốc gia EU tìm ngay được mỏ khí đốt khủng với trữ lượng 100 tỷ m3- Ảnh 2.

Vị trí mỏ Deepwater Neptune với trữ lượng ước tính khoảng 100 tỉ m3 khí đốt.

OMV, nhà nước Áo nắm giữ 31,5% cổ phần, vốn là một trong những khách hàng lớn nhất của Gazprom ở châu Âu. Lượng giao hàng hàng năm lên tới 5,7 tỷ m3 mỗi năm theo hợp đồng với Áo. Tuy nhiên, năm 2022, Gazprom đã ngừng vận chuyển khí đốt và OMV đã đệ đơn lên trọng tài Stockholm.

Vào tháng 11 năm nay, tòa trọng tài phán quyết cho OMW nhận khoản bồi thường 230 triệu euro. OMV đã không trả cho Gazprom tiền khí đốt giao trong tháng 10 để bù đắp lại khoản bồi thường theo phán quyết trọng tài. Do đó, Gazprom ngừng giao hàng ngày 16/11, dù hợp đồng vẫn còn hiệu lực đến năm 2040. 

Gazprom đã vận hành nhiều cơ sở lưu trữ khí đốt lớn tại Áo và nơi này được cho là “thành trì” của Gazprom ở Trung Âu trong 2 thập kỷ qua. Theo đó, Áo đã tiết kiệm được hàng tỷ USD nhờ mua khí đốt giá rẻ của Nga.

Dù Gazprom cắt nguồn cung cho OMV nhưng Áo vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga qua Slovakia. “Ông lớn” của Nga đã bán thêm khí đốt cho SPP, tập đoàn khí đốt của Slovakia, kể từ khi ngừng xuất khẩu cho OMV. SPP sau đó bán lại cho người mua ở Áo.

Bộ trưởng năng lượng Áo Leonore Gewessler cho biết OMV sẽ quyết định có nên chấm dứt hợp đồng với Gazprom hay không. Bà phát biểu: “Nhiệm vụ của tôi và chính phủ liên bang là tạo ra các khung quy định để có thể tiến đến việc kết thúc hợp đồng này."

Tham khảo: EADaily, Reuters

Bạn đang đọc bài viết "Đột ngột bị Nga cắt nguồn cung dù đã cung cấp suốt 50 năm, quốc gia EU tìm ngay được mỏ khí đốt khủng với trữ lượng 100 tỷ m3" tại chuyên mục THƯƠNG HIỆU. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.