Đừng để ca sĩ Thủy Tiên vi phạm pháp luật trong việc vận động làm từ thiện

Admin

24/10/2020 07:04

Khi quy định pháp luật đã xa rời thực tế, bộc lộ sự bất cập; quy định nên được điều chỉnh để không trở thành “án treo” trên những tấm lòng.

Giữa lúc bão lụt vẫn đang hoành hành khắp các tỉnh miền Trung, các chuyến hàng cứu trợ đổ về giúp đồng bào và rất nhiều người đang kêu gọi nhau nhường cơm sẻ áo thì một nỗi lo thực sự lớn đã xuất hiện: ca sĩ Thủy Tiên - người đã vận động được hơn 100 tỷ đồng để trực tiếp đi cứu trợ miền Trung có đang vi phạm pháp luật không?

dung de ca si thuy tien vi pham phap luat trong viec van dong lam tu thien

Nghị định 64/2008/NĐ-CP (Nghị định 64) ngày 14/5/2008 của Chính phủ quy định, chỉ có 3 nhóm tổ chức, đơn vị được phép tiếp nhận, phân phối tiền và hàng hóa cứu trợ, gồm:

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

dung de ca si thuy tien vi pham phap luat trong viec van dong lam tu thien2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Nghị định 64 khẳng định, ngoài 3 nhóm tổ chức, đơn vị nêu trên, “không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Ca sĩ Thủy Tiên đương nhiên không phải, không thuộc bất cứ tổ chức, đơn vị nào trong 3 nhóm trên và cũng không hề được cho phép, được ủy quyền nên nếu chiếu theo Nghị định 64, cô không được quyền tổ chức tiếp nhận tiền và hàng cứu trợ, chưa nói đến việc tổ chức phân phối đến đồng bào miền Trung. Rõ ràng, nếu áp dụng theo các quy định này, Thủy Tiên đã vi phạm pháp luật và đương nhiên hành vi vi phạm pháp luật, khi bị phát hiện, phải được ngăn chặn, xử lý.

Nhưng chúng ta có nên xử lý Thủy Tiên không? Rõ ràng, việc Thủy Tiên vận động được số tiền cực lớn trong thời gian cực ngắn và rất nhanh chóng chuyển đến tận tay người dân - những người yếu thế luôn không thể chờ đợi trước thiên tai, thảm họa là điều mà trước cô chưa ai làm được, kể cả các tổ chức, đơn vị chính thức, chuyên nghiệp. Việc làm của Thủy Tiên đáng được khuyến khích, động viên và thậm chí tặng bằng khen; nhưng cô lại đang vi phạm pháp luật, theo các quy định hiện hành.

Không chỉ Thủy Tiên, căn cứ theo Nghị định 64, rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đều đang vi phạm pháp luật khi tự thân vận động quyên góp, tự tổ chức các chuyến hàng cứu trợ đến với đồng bào. Thậm chí, nếu chiếu theo Thông tư 72/2008 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định 64 thì việc các cơ quan báo chí tổ chức quyên góp, đưa hàng cứu trợ đến với bà con vùng lũ thời gian qua cũng là hành vi vi phạm pháp luật, bởi cơ quan truyền thông chỉ được phép tiếp nhận tiền quà cứu trợ chứ không được phân phối.

Nghị định 64, Thông tư 72 ra đời trên cơ sở ngăn chặn, chống lại những hành vi trục lợi thông qua hoạt động từ thiện và đó là điều tốt. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực ấy, các quy định không nên trói tay người dân, doanh nghiệp trong việc cứu giúp đồng bào, càng không nên đặt người dân ra ngoài vòng pháp luật.

Xử Thủy Tiên vì làm trái quy định pháp luật sẽ khó thuyết phục được người dân trước những điều tốt đẹp cô đang làm. Nhưng nếu không xử Thủy Tiên thì quy định sẽ trở thành thừa thãi và phi thực tế. Nếu đã vậy, liệu chúng ta có nên nhanh chóng bãi bỏ Nghị định 64 chăng? Đừng để Thủy Tiên trở thành người vi phạm pháp luật khi cô đang tận hiến cho đồng bào!

Phạm Thành Nhân

Theo Phunuonline

Bạn đang đọc bài viết "Đừng để ca sĩ Thủy Tiên vi phạm pháp luật trong việc vận động làm từ thiện" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.