[Gặp gỡ thứ Tư] Giám đốc khu vực Super Energy: 'Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo'

Admin

18/11/2020 18:55

Nhiều tập đoàn năng lượng Thái Lan đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, như Super Energy, Eastern Power, Gulf Energy...Trong đó, Super Energy nổi lên là nhà đầu tư ngoại lớn nhất ở trong nước.

20201118_103008

Ông Supa Waisayarat, Giám đốc khu vực Super Energy Corporation. Ảnh: Super Energy Corporation.

Từ năm 2017, Tập đoàn Super Energy bắt đầu tham gia vào thị trường Việt Nam, một phần trong tham vọng trở thành tập đoàn sản xuất năng lượng sạch hàng đầu ASEAN. Theo tìm hiểu, Super Energy là tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan.

Khoảng hai năm trở lại, ông lớn này bày tỏ sự hứng thú đặc biệt đối với thị trường năng lượng Việt Nam, khi mà Chính phủ Việt Nam đã và đang duy trì nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích nguồn vốn tư nhân trong lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, Super Energy hiện hoạt động trên 2 mảng năng lượng tái tạo là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đối với các nhà máy điện mặt trời, Super đã vận hành 6 dự án và đang trong quá trình phát triển các dự án còn lại, với tổng công suất lắp đặt là 286,72 MWp và lượng điện phát hàng năm là khoảng 350.703.132 kWh tương ứng với doanh thu trên 35 triệu USD. Đối với các nhà máy điện gió, tập đoàn đã có 3 dự án đang trong quá trình xây dựng và 1 dự án đang được phát triển, với tổng công suất là 530 MWp.

Mục tiêu của Super Energy là hoàn thành các dự án với tổng công suất lắp đặt là 1 Gigawat trong năm 2021.

Nhadautu.vn đã có buổi phỏng vấn với ông Supa Waisayarat, Giám đốc khu vực Super Energy Corporation, qua đó tìm hiểu rõ hơn về nhà đầu tư ngoại hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Thưa ông, điều gì khiến thị trường Việt Nam hấp dẫn các tập đoàn năng lượng Thái Lan, trong đó có Super Energy? 

Ông Supa Waisayarat: Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian gần đây. Đầu tiên, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến năng lượng sạch và đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả việc cho phép thành lập các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Sự cởi mở, những hỗ trợ ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này là một trong những lý do chính để Super Energy đầu tư vào thị trường này.

Hơn nữa, Việt Nam rất tiềm năng cho các cơ hội phát triển năng lượng tái tạo cũng như nhu cầu tăng cao trong việc cung cấp điện vì sự bùng nổ của nền kinh tế. Không chỉ vậy, với bờ biển trải dài trên 3.260 km, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng gió dồi dào phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Tập đoàn Super Energy đã đầu tư vào Việt Nam trong 2 năm qua và là tập đoàn ngoại tích cực nhất trên thị trường NLTT Việt Nam, ông có thể chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đầu tư? 

Ông Supa Waisayarat: Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã được hưởng lợi nhiều từ các ưu đãi về cơ chế giá FIT nhằm khuyến khích nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, các cơ quan Nhà nước cũng đã thấu hiểu và rất tạo điều kiện cho tập đoàn Super Energy trong việc hoàn thành thủ tục dự án.

Mặc dù vậy, một số chính sách, cơ chế của các cơ quan Nhà nước thay đổi trong quá trình đầu tư dự án, và việc ban hành các văn bản hướng dẫn, thời gian xem xét phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vẫn còn kéo dài.

Chúng tôi cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và đền bù đất cho các hộ dân tại địa phương có dự án.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được công suất phát tối đa của nhà máy điện mặt trời. Việc hạ tầng lưới điện khu vực hạn chế đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA quá tải, đã gây ra hậu quả là nhiều nhà máy điện mặt trời đang phải giảm phát công suất.

Hy vọng trong thời gian tới, cơ quan nhà nước sẽ có giải pháp khắc phục kịp thời cho vấn đề này.

Phần lớn các dự án hiện nay của tập đoàn Super Energy là M&A từ các nhà đầu tư sơ cấp trong nước. Phải chăng thủ tục xin cấp phép trực tiếp chưa cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài? Sắp tới tập đoàn có dự định mở rộng danh mục đầu tư ở Việt Nam hay không, nếu có sẽ tiếp tục M&A hay xin trực tiếp dự án? 

Ông Supa Waisayarat: Việc xin cấp phép rất khó khăn ngay cả đối với nhà đầu tư Việt Nam. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài thường hạn chế xin trực tiếp các dự án vì chưa có đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ các thủ tục và các quy định đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi mới vào thị trường Việt Nam.

Trong các dự án sắp tới tại Việt Nam, tập đoàn sẽ vẫn tiếp tục phát triển thông qua hình thức M&A, tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ xem xét việc xin trực tiếp dự án trong tương lai.

Chúng tôi hiện đang tập trung 2 lĩnh vực năng lượng tái tạo chính tại Việt Nam bao gồm điện mặt trời và điện gió và đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào các nhà máy điện. Chúng tôi sẽ không dừng ở đó mà sẽ mở rộng sang lĩnh vực năng lượng mặt trời mái nhà.

Tập đoàn Super Energy từng công bố mua lại 4 dự án Lộc Ninh từ Tập đoàn Hưng Hải với chi phí 76 triệu USD. Diễn biến thương vụ này ra sao?

Ông Supa Waisayarat: Hiện tại chúng tôi chỉ đang đầu tư cho các dự án Lộc Ninh 1,2 & 3. Thông tin rằng tập đoàn Super Energy mua lại Lộc Ninh 4 là không chính xác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cuối tháng 3/2020, giới đầu tư trong nước xôn xao trước thông tin HĐQT SEC thông qua nghị quyết về việc mua 4 dự án điện mặt trời có tổng công suất lắp đặt 750MW tại Lộc Ninh, Bình Phước, với tổng giá trị thương vụ là 456,7 triệu USD, trong đó 76,05 triệu USD, tương đương gần 1.800 tỷ đồng để mua cổ phần trong 4 pháp nhân sở hữu các doanh nghiệp dự án CTCP Năng lượng Lộc Ninh và CTCP Năng lượng Lộc Ninh 2,3,4.

Cuối tháng 5 vừa qua tại Trung Quốc, giới truyền thông nước này đưa tin ông Jormsup - Chủ tịch Tập đoàn SEC và đối tác Trung Quốc là ông Ji Xiaoyong - Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc và ông Feng Shurongm - Chủ tịch Central South Institute đã ký kết hợp đồng EPC cho các nhà máy Lộc Ninh 1 (200MW), Lộc Ninh 2(200MW) và Lộc Ninh 3 (150MW). Phạm vi của hợp đồng là thiết kế, mua sắm và xây dựng các dự án phát triển điện mặt trời với tổng công suất 550MW.

Đến cuối tháng 9/2020, Tập đoàn Hưng Hải có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Phước xem xét năng lực, kinh nghiệm của 2 đối tác Thái Lan và Hàn Quốc là Super Solar (công ty con của Super Energy) và SK Engineering & Construction, chấp nhận cho đối tác này tham gia làm cổ đông chiến lược của các công ty cùng đầu tư dự án điện mặt trời Lộc Ninh. Tập đoàn này cam kết sau khi được chấp thuận sẽ cùng 2 nhà đầu tư nước ngoài nêu trên thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết "[Gặp gỡ thứ Tư] Giám đốc khu vực Super Energy: 'Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo'" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.