Giới trẻ châu Á chen lấn nhiều giờ để mua đồ Jil Sander

Admin

15/11/2020 08:30

Nhiều bạn trẻ ở Hàn Quốc, Nhật Bản đã tranh nhau mua sản phẩm kết hợp giữa Uniqlo và Jil Sander.

Vào ngày 13/11, Uniqlo cho ra mắt bộ sưu tập +J Thu Đông 2020 với loạt quần áo, phụ kiện mang tinh thần tối giản hiện đại.

Xếp hàng nhiều giờ trước cửa hàng

Thông tin về sự kết hợp của hãng thời trang Nhật Bản với Jil Sander sau 11 năm khiến nhiều người mong chờ. Vào ngày mở bán, giới trẻ đã tập trung trước chi nhánh của cửa hàng để sở hữu những bộ đồ tối giản từ nhà thiết kế người Đức.

Người tiêu dùng xếp hàng nhiều giờ trước khi mở bán sản phẩm. Điều này tạo nên tình hình hỗn loạn ở trung tâm thương mại, cửa hàng lớn của Uniqlo.

Trang Matomebu miêu tả lại khung cảnh trong ngày mở bán bộ sưu tập của Jil Sander tại cửa hàng ở Nhật Bản: "Giống như cuộc bạo loạn, thậm chí đã xảy ra vài cuộc ẩu đả tại đây. Chúng tôi nghe thấy tiếng trẻ em khóc, ma-nơ-canh nằm la liệt, cửa kính bị vỡ".

Không chỉ thế, khách hàng còn tranh giành mua các sản phẩm gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Tài khoản @mirei0607 bày tỏ: "Có bao nhiêu người thực sự muốn mua quần áo thuộc bộ sưu tập này? Tôi không rõ Jil Sander nổi tiếng thế nào nhưng sẽ không bao giờ đánh nhau hay chen lấn để mua đồ".

Tại Hàn Quốc, giới trẻ cũng xếp hàng trước đó 2-3 tiếng. Họ chuẩn bị sẵn danh sách những món đồ cần mua để tránh mất thời gian tìm kiếm giữa nhiều mặt hàng khác.

Tài khoản @hyogi2020 chia sẻ trên Instagram: "Tôi đứng ở cửa hàng lúc 7h và đến 12h mới có thể vào mua sản phẩm. Tránh tình trạng chen lấn, các nhân viên của hãng đã chia thành từng đợt để khách có thể dễ dàng trong việc lựa chọn. Tuy nhiên, các sản phẩm có phần hạn chế số lượng. Do đó, ai vào sau không thể mua được thứ mình thích".

Ở thị trường Trung Quốc, khách hàng phải xếp hàng trước đó nhưng số lượng người mua tại cửa hàng không giới hạn. Vì thế, tình trạng chen chúc không xảy ra. Trong bức ảnh chia sẻ của tài khoản @william969683 tại cửa hàng ở Thượng Hải (Trung Quốc), quần áo đặt lung tung trên sàn và kệ trưng bày.

"Tôi phải khó khăn mới có thể mua được sản phẩm yêu thích. Mọi người tranh giành nhau khiến tôi không thể nhận ra bộ sưu tập được đặt ở đâu", anh bày tỏ.

Ở thị trường Việt Nam, nhiều bạn trẻ cũng mong chờ bộ sưu tập kết hợp với Jil Sander. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Zing trong ngày đầu, không xảy ra vấn đề chen lấn hay xếp hàng dài trước giờ mở bán. Nhiều mẫu sản phẩm có số lượng giới hạn theo từng kích cỡ.

Các bạn trẻ chia sẻ trên trang cá nhân rằng áo sơ mi họa tiết hết hàng trong vài tiếng sau khi trưng bày trên kệ.

Tài khoản @dennietrann cho biết: "Vì thích một thiết kế trong bộ sưu tập mà phải chấp nhận mua kích cỡ nhỏ hơn so với cơ thể. Đây là chiếc cuối cùng trong đợt hàng lần này".

Ngoài ra, những mẫu áo khoác dáng dài, áo phao vẫn còn khá nhiều bởi chất liệu dày không phù hợp với thời tiết ở TP.HCM. Riêng các cửa hàng tại Hà Nội vẫn còn ít mẫu sơ mi trong bộ sưu tập. Nhìn chung, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa như ở các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Bởi người Việt quá quen thuộc với nhà thiết kế Jil Sander và các sản phẩm của bà.

Vì sao bộ sưu tập cháy hàng?

Sở hữu các thiết kế từ "bà hoàng tối giản" Jil Sander với mức giá thấp trở thành sự khao khát của tín đồ thời trang trên thế giới. Bên cạnh đó, đây là màn hợp tác trở lại cùng Uniqlo sau 11 năm kể từ khi ra mắt bộ sưu tập cuối cùng vào năm 2009.

Với sự tối giản trong phong cách thiết kế, người mặc có thể dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm cơ bản, kết hợp cùng trang phục bình thường và dễ dàng diện được mỗi ngày.

Nhiều chuyên gia thời trang còn nhận định trang phục của Jil Sander được cắt may tỉ mỉ với hiệu ứng điêu khắc độc đáo theo tỷ lệ cơ thể của con người, mang đến cảm giác thoải mái khi mặc. Một chiếc áo sơ mi dáng quá khổ, suit đen đơn giản hay áo khoác túi hộp ấm áp phù hợp với thời tiết se lạnh của mùa đông và nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Jil Sander (tên thật là Heidemarie Jiline Sander) sinh năm 1943 tại Wesselburen, Đức. Bà tốt nghiệp kỹ sư dệt may tại trường Krefeld năm 1963. Năm 1978, bà thành lập thương hiệu Jil Sander GmbH.

Bộ sưu tập đầu tiên của bà được nhận xét là "sự thất bại". Thập niên 1970 là thời đại của sự hoà trộn nhiều dòng chảy văn hoá khác nhau nên sự tối giản trong thời trang không phải thị hiếu. Không nhà phê bình nào dám chê bai các thiết kế của Jil Sander nhưng sự thành công về doanh thu là con số 0.

Bà chấp nhận thất bại và biết rằng bản thân cần làm điều gì để giúp phụ nữ đương thời có thể toát lên vẻ thanh tao, quý phái bằng việc tập trung vào chất liệu, các đường cắt may chuẩn xác.

Năm 1990 đánh dấu sự thành công của thương hiệu Đức khi bà giúp các tín đồ thời trang nhận ra phong cách tinh tế và giản đơn mới chính là thứ cần thiết trong cuộc sống.

Năm 1999, tập đoàn Prada mua 75% cổ phần công ty. Jil Sander vẫn giữ vị trí nhà thiết kế chính và chủ tịch hội đồng quản trị. Tuy nhiên, bà không chấp nhận việc người khác chi phối các thiết kế của mình nên đã rời bỏ thương hiệu và rút khỏi giới thời trang để tận hưởng niềm vui cuộc sống.

Giày Nike Dior, túi Hermès Birkin được làm từ giấy Felix Semper lấy cảm hứng cho các tác phẩm điêu khắc trên giấy từ vật dụng hàng ngày và văn hóa đại chúng.

Bạn đang đọc bài viết "Giới trẻ châu Á chen lấn nhiều giờ để mua đồ Jil Sander" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.