Thực hiện cam kết thành viên
Nhằm chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời thúc đẩy thực hiện các cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của Mạng lưới "Các Thành phố sáng tạo UNESCO", ngày 2/10 tại Hà Nội, UBND Thành phố đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao "Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo".
Hà Nội được UNESCO vinh danh "Thành phố sáng tạo về thiết kế" vào năm 2019 |
Phát biểu tại Tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, danh hiệu "Thành phố sáng tạo về thiết kế" của Hà Nội cũng như những định hướng mới cho chiến lược phát triển của Thủ đô nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng và các đối tác quốc tế. Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi chính thức trở thành "Thành phố sáng tạo về thiết kế", Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch dài hạn về tầm nhìn, kết nối chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tao, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội – Thủ đô sáng tạo.
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đánh giá, tham gia Mạng lưới "Các Thành phố sáng tạo của UNESCO" là bước đi đầu tiên, nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng, hướng đến sự phát triển bền vững của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, tinh thần chủ động thích ứng với xu thế thời đại và vai trò tích cực tham gia kết nối toàn cầu với bạn bè thế giới, hướng tới trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực.
Đặc biệt theo ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, khi tham gia Mạng lưới "Các Thành phố sáng tạo của UNESCO", Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các thành phố thiết kế khác như: Seoul (Hàn Quốc); Kobe (Nhật Bản); Thượng Hải (Trung Quốc); Bandung (Indonesia) trong khu vực và các thành phố Helsinki (Phần Lan); Montreal (Canada); Berlin (Đức)… trên toàn cầu.
Tập trung 3 trụ cột chính
Với sự tham dự của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà đầu tư… đại biểu tham dự Tọa đàm đã tập trung thảo luận, tham vấn ý kiến về các sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng thành phố sáng tạo. Trong đó, nội dung xoay quanh 3 trụ cột chính, nhóm giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo, bao gồm: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng; mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học; hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa, cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu thành phố sáng tạo.
Theo đó, bên cạnh tận dụng cơ hội khi trở thành thành viên của "Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO", tận dụng những lợi thế về nguồn lực văn hóa sẵn có, sáng tạo và phát huy nội lực của Thủ đô, các chuyên gia và đối tác cho rằng Hà Nội cần xác lập vị trí tiên phong trong khu vực và các nền tảng có tính toàn cầu để định vị chiến lược phát triển của Thủ đô trong tương lai. Vì vậy, chặng đường phía trước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thành phố, từ các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô.
Thông qua Tọa đàm này, lãnh đạo Thủ đô Hà Nội cũng mong muốn, tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan trung ương, chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, nhà ngoại giao… đặc biệt là sự chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và cùng phát triển giữa các thành viên trong Mạng lưới với Thủ đô Hà Nội để hiện thực hóa tầm nhìn, vì các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Mạng lưới "Các Thành phố sáng tạo UNESCO" được thành lập năm 2004, hiện có 246 thành phố thành viên, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. |