HoREA: Nợ xấu bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn trong ngưỡng an toàn

Admin

18/11/2020 11:26

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, nên vẫn còn trong ngưỡng an toàn.

photo1605605087798-16056050880532101350433

(Ảnh: Internet)

HoREA dẫn số liệu cho biết, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh 10 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, loại trung- dài hạn chiếm 52,2%, tăng 6,6%; loại ngắn hạn chiếm 47,8%, tăng 4,31% so với cuối năm 2019.

Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 293.750 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2019; Nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản,

Thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ), chỉ còn dư nợ 2.985 tỷ đồng với 8.554 khách hàng. Trong đó, có 2 doanh nghiệp dư nợ 120 tỷ đồng và 8.552 cá nhân, hộ gia đình còn dư nợ 2.865 tỷ đồng.

HoREA cũng đánh giá, nhìn chung dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng có tiềm ẩn rủi ro.

Cụ thể mặc dù đại dịch CoViD-19 tác động rất nghiêm trọng, nhưng so với các nước, thì nước ta trong 09 tháng đầu năm 2020, GDP vẫn tăng 2,12%; lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số CPI chỉ tăng 3,71%; dư nợ tín dụng tăng 6,09% so với cuối năm 2019.

"Mặt tích cực là dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn tăng 5,9% so với cuối năm 2019 và nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, nên vẫn còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo HoREA cho rằng cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản, chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng , cần phải có cơ chế kiểm soát, quản lý phù hợp.

Ông Châu cũng đề cập đến một mảng khác của thị trường sử dụng công cụ nợ, huy động vốn, đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Thị trường này đã tăng nóng trong 08 tháng đầu năm 2020, nhưng từ 01/09/2020 đã bắt đầu được kiểm soát chặt chẽ với Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực.

photo-1-1605604945442263748580

HoREA quan ngại với tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư trái phiếu, cùng với đó là tỷ trọng phát hành trái phiếu cao của doanh nghiệp bất động sản (Ảnh: Internet)

HoREA thống kê thị trường trái phiếu doanh nghiệp 09 tháng đầu năm 2020 đã có 1.089 đợt phát hành của 175 doanh nghiệp với giá trị 341.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 40,3% và chiếm tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân chiếm đến hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu.

"Để tăng cường công tác quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kể từ ngày 01/09/2020, Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực, quy định chặt chẽ các điều kiện phát hành, nên lượng trái phiếu tháng 09/2020 giảm đến 84% so với tháng 08/2020. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, bất cập lớn hiện nay là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín (tương tự như Fitch Ratings) đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp phát hành trái phiếu, để đảm bảo minh bạch thông tin và góp phần bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu", báo cáo đánh giá.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

Bạn đang đọc bài viết "HoREA: Nợ xấu bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn trong ngưỡng an toàn" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.