"Không chỉ là thầy, mà còn là cha, là mẹ"

Admin

22/11/2020 14:37

Đó là trải lòng xúc động của những người làm công tác giáo dục đặc biệt trên địa bàn Thừa Thiên-Huế nhân Ngày Nhà Việt Nam 20/11.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 23 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng số cán bộ, nhân viên tại là 359 người (257 nữ), đang làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy học cho 1.495 đối tượng, trong đó có 387 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi; 946 đối tượng khuyết tật...

Để tri ân những người công tác giáo dục đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã  tổ chức buổi gặp mặt thân mật hơn 200 người đang chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Giáo dục - 'Không chỉ là thầy, mà còn là cha, là mẹ'

Công tác giáo dục đặc biệt luôn được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế quan tâm đặc biệt. Ảnh: Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thăm Tết Trung thu tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật chùa Long Thọ.

Tại buổi gặp mặt, nhiều người đã không giấu nổi sự xúc động và có những trải lòng khi làm “nghề đặc biệt” này.

Bà Văn Thị Cháu, bảo mẫu ở Làng SOS Thừa Thiên-Huế chia sẻ, công việc của những người làm công tác giáo dục đặc biệt không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Đó không chỉ đơn thuần là một nhân viên mà còn là người bảo trợ, người đỡ đầu, thậm chí còn đóng vai trò là cha, là mẹ khi cần thiết. Mặc dù gặp phải muôn vàn khó khăn khi trái gió trở trời. Nhiều đêm thức trắng chăm sóc khi các em đau sốt, nhưng với tấm lòng của mình, với tình thương yêu vô bờ bến, chúng tôi nuôi dạy các em về kiến thức, kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia, phường Thuỷ Xuân (TP.Huế) chia sẻ, đội ngũ làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn rất xúc động khi nhận được giấy mời của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế gặp mặt, tri ân. Buổi gặp mặt là cơ hội để những người làm công tác xã hội có thể bày tỏ những tâm tư nguyện vọng và thêm động lực trong công tác.

Giáo dục - 'Không chỉ là thầy, mà còn là cha, là mẹ' (Hình 2).

Ông Phạm Văn Tú rất xúc động tại buổi gặp mặt.

“Khi mới vào nghề chúng tôi nghĩ rằng mình làm việc để giúp đỡ các em. Nhưng càng về sau, chúng tôi càng nhận ra chính các em cũng là những người thầy của mình. Các em đã dạy cho chúng tôi những bài học vô giá về khả năng khác biệt, về khả năng nhìn thấy những tiềm năng tốt đẹp ở bất cứ ai. Về việc xây dựng một cộng đồng cùng chung sống trong sự thấu hiểu và yêu thương. Nhờ các em mà tình yêu nghề và tình yêu cuộc sống của chúng tôi luôn được bồi đắp và nhân sinh quan trở nên sâu sắc và rộng mở hơn”, ông Phạm Văn Tú bộc bạch.

Cô Bùi Thị Minh Tâm, giáo viên dạy âm nhạc lớp khuyết tật tại Trướng tiểu học số 1 phường An Đông (TP. Huế) sau nhiều năm tiếp xúc với trẻ khuyết tật cô đúc rút được kinh nghiệm rằng, đến với các em không cần nhiều kỹ năng, kỹ thuật giảng dạy mà chỉ cần đến với các em bằng tình thương và tấm lòng, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều. Còn một giáo viên dạy thể dục có nhiều năm tiếp xúc với trẻ khuyết tật cho biết, rất cần sự phối hợp, chia sẻ trong việc can thiệp sớm từ các bậc phụ huynh nhằm giúp các cháu sớm tiến bộ…

Trước những trải lòng này, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ: “Buổi gặp mặt hôm nay là ngày vui, tuy nhiên qua những câu chuyện kể của "các thầy - các cô", có những lúc hội trường lặng im, bản thân tôi nhiều lần kìm nén xúc động trước những câu chuyện, những vấn đề phát sinh trong thực tế nuôi dạy trẻ, những khó khăn của đội ngũ làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn". "Một lần nữa tôi xin được nói lời cám ơn và tri ân”".

Giáo dục - 'Không chỉ là thầy, mà còn là cha, là mẹ' (Hình 3).
Giáo dục - 'Không chỉ là thầy, mà còn là cha, là mẹ' (Hình 4).

Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã động viên các thầy cô công tác giáo dục đặc biệt rất nhiều.

Người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, những người có mặt tại đây là những người có một nghề hết sức đặc biệt, những “nhà giáo nhân dân” đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho trẻ em khó khăn, những người yếu thế.

Trước các đề xuất của các trung tâm bảo trợ xã hội, ông Phan Ngọc Thọ cho biết, sắp tới UBND tỉnh sẽ hỗ trợ mở các lớp tập huấn, huấn luyện về kỹ năng xã hội cho đội ngũ làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức khám sàng lọc cho trẻ yếu thế. Thành lập mạng lưới phối hợp giữa các trung tâm. Xây dựng mô hình nhằm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, khẳng định tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ, không phân biệt công lập hay dân lập để nâng cao vai trò của các các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội.

Lê Kông

Bạn đang đọc bài viết ""Không chỉ là thầy, mà còn là cha, là mẹ"" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.