Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật này đã được trình ra Quốc hội. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu tại kỳ họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề.
Quốc hội tiến hành thỏa luận trực tuyến các dự án luật |
Một là, quy định về tái phạm; nguyên tắc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần; thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong xử lý vi phạm hành chính.
Hai là, về hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt.
Ba là, về biên bản vi phạm hành chính; việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong phát hiện vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt; việc tịch thu tang vật, phương tiện và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, hết thời hiệu xử phạt, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt.
Bốn là, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Năm là, về đối tượng, thủ tục lập hồ sơ, thi hành và các quy định khác về việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Sáu là trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ và xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời tập trung phát biểu, làm rõ những nội dung còn ý kiến khác nhau, như: mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính..
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) phát biểu |
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Lý do được đưa ra là việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Phân tích sâu hơn, một số đại biểu cho rằng, chỉ nên áp dụng quy định ở một số lĩnh vực như xây dựng, hoặc môi trường. Ý kiến đại biểu ủng hộ việc bổ sung hình thức này chỉ nên áp dụng trong lĩnh vực xây dựng tuy nhiên cũng băn khoăn về tính khả thi do ít hiệu quả trên thực tế bởi nhiều chủ thầu xây dựng không “ngán” giải pháp này.
Ý kiến đại biểu trong khi tán thành việc áp dụng hình thức này song chỉ nên áp dụng cho hành vi thay vì áp dụng trong lĩnh vực. Đại biểu lấy ví dụ, chẳng hạn như các cánh đồng nuôi tôm nếu áp dụng việc cắt điện do vi phạm thì thiệt hại kinh tế là nhỏ hơn nhiều so với thiệt hại về môi trường.
Việc xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy cũng thu hút ý kiến đại biểu. Theo đó, đối với người nghiện ma túy, nhiều đại biểu tán thành với phần giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này. Ngoài ra, việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định. Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ xác định trình tự thủ tục, thầm quyền là đủ.
Còn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, Ban soạn thảo dự thảo Luật có chỉnh sửa Điều 90 là bổ sung biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì nên bỏ. Bởi vì nếu người 18 tuổi trở lên bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định ở một xã, phường nào đó thì rất khó quản lý.
Ngoài ra, khi sửa đổi Điều 140 đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ 14 - 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, tự nguyện khai báo thì giao cho gia đình quản lý là không khả thi. Vì có những gia đình chưa hiểu rõ, sâu sát về tác hại của việc sử dụng ma túy nên những đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy cần phải có những cán bộ giáo dục, giáo dưỡng chuyên môn quản lý, tư vấn tâm lý.
Tổng kết phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hiện còn một số nội dung khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.