Mở room ngoại, mở cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán

Admin

18/12/2024 08:13

Dự thảo sửa đổi Nghị định 155 đã chú trọng đến việc tháo gỡ các vướng mắc đối với nhà đầu tư nước ngoài, nổi bật là vấn đề tập trung tháo gỡ nút thắt room ngoại.

Nhà đầu tư ngoại cảm thấy "thiệt thòi"

Những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hút không ít sự chú ý từ các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư ngoại vẫn gặp phải những rào cản khi muốn tham gia vào thị trường.

Là một nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường chứng khoán Việt Nam, anh Suk-Chin chia sẻ với Người Đưa Tin rằng luôn theo dõi sát sao các thay đổi trong chính sách và quy định liên quan đến việc đầu tư.

Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, anh cảm thấy khá "thiệt thòi" khi bị giới hạn tỉ lệ sở hữu làm giảm khả năng quyết định đầu tư sâu vào các công ty. Khi tỉ lệ sở hữu cổ phần bị giới hạn, khả năng mua bán cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng.

"Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư chiến lược, những người thường tìm kiếm cơ hội để tăng cường nắm giữ cổ phiếu khi giá trị của công ty tăng trưởng", anh Suk-Chin chia sẻ.

Anh Suk-Chin mong rằng sẽ có những chính sách cởi mở hơn, giúp tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư ngoại không bị giới hạn. Điều này sẽ tạo ra cơ hội lớn hơn cho nhà đầu tư nước ngoài khi có thể tiếp cận và nắm giữ cổ phần tại những doanh nghiệp có tiềm năng lớn nhưng trước đây bị hạn chế tỉ lệ sở hữu.

Mở room ngoại, mở cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán- Ảnh 1.

Ông Tô Trần Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Tô Trần Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, nói về trải nghiệm, đúng là các nhà đầu tư nước ngoài đang chịu thiệt thòi.

Theo cập nhật mới nhất tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), có tới hơn 500 doanh nghiệp đang để room ngoại là 0% trong gần 1.900 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn.

Một số trong đó do có các ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc diện bị giới hạn sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp giảm room ngoại do đề xuất của hội đồng quản trị và được thông qua bởi đa số cổ đông.

Theo ông Hoà, quan điểm của Chính phủ là khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi đăng ký ngành nghề kinh doanh chọn các ngành rộng, bao trùm lên ngành nhỏ hơn chịu quy định giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài, dẫn tới không thể "mở room" cho nhà đầu tư ngoại.

 Có thể dừng quyền khoá room ngoại của doanh nghiệp

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định số 155 về hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019 là một bước đi quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính.

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 155 sau khi Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi vào ngày 29/11 vừa qua.

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo là việc tháo gỡ các vướng mắc đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề về mở cửa tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, tập trung tháo gỡ nút thắt room ngoại.

Cụ thể, dự thảo bỏ quy định tại Điều 139 (Nghị định 155) cho phép ĐHĐCĐ, Điều lệ công ty đại chúng được quyết định tỉ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn quy định pháp luật, trừ trường hợp có quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo Bộ Tài chính, điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông nước ngoài theo Luật Doanh nghiệp, cũng như giảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp.

Từ đó tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Cải cách quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng việc doanh nghiệp khoá room ngoại là một trong những yếu tố gây ra rào cản quá lớn tới sự gia nhập của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường.

"Khi các doanh nghiệp có thể tự ý khoá room ngoại thì sẽ tạo ra sự không công bằng với với các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Song song cũng tạo ra một dấu hiệu cho tình trạng tiết cung của thị trường", ông Minh nêu thực trạng.

Theo ông Minh, việc khoá room ngoại sẽ gây hệ lụy. Đầu tiên là trong trường hợp doanh nghiệp có mục đích tạo ra cung khan hiếm trên thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian ngắn sẽ liên tục mua, để không bị mất vị thế khi khoá room lại.

Thông tư 68 là "bệ đỡ" cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 3

Thứ hai là việc tạo ra tín hiệu giả để phục vụ trục lợi cho việc tăng giá cổ phiếu trong thời gian ngắn.

Cả hai điều trên đều vô tình đẩy cổ phiếu lên cao, có thể chưa phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu. Tất nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, đã có một số ý kiến phản đối về đề xuất này vì doanh nghiệp lo ngại về việc bị thâu tóm. Nhưng theo ông Minh, chúng ta sẽ có rất nhiều công cụ, trong đó việc mua cổ phiếu quỹ cũng là một cách để tránh tình trạng bị thâu tóm.

Ông Minh cho rằng đề xuất doanh nghiệp không thể tuỳ ý khoá room ngoại là điều thuận lợi, hợp lý trong việc định hướng đến việc nâng hạng thị trường. Bởi trong việc nâng hạng thị trường thì tỉ lệ room của nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Đề xuất doanh nghiệp không thể tuỳ ý khoá room ngoại là điều thuận lợi, hợp lý trong việc định hướng đến việc nâng hạng thị trường. Bởi trong việc nâng hạng thị trường thì tỉ lệ room của nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng.

Đồng quan điểm về việc lo bị thâu tóm, ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng doanh nghiệp không nên quan ngại vấn đề này.

Theo ông Hải, các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh là sự am hiểu thị trường nội địa. Rõ ràng, các công ty nước ngoài khi đến thị trường Việt Nam, trước hết phải dựa vào bản thân những người ở đây.

"Tôi tin rằng những công ty có hệ thống quản trị tốt, làm ăn minh bạch, không cần phải phải lo công ty ngoại thôn tính, vì chưa chắc họ đã làm tốt hơn chúng ta. Họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền và thực hiện theo các quyết định của chúng ta", ông Hải nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Mở room ngoại, mở cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.