Theo Washingtonexaminer, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến của Nga bất chấp các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ và lời kêu gọi không đưa vào sử dụng vũ khí này từ NATO nhằm tránh gây nguy hiểm cho hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương.
“Đối với Nga, tất nhiên, đây là một chiến thắng lớn”, cựu nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Aykan Erdemir, nhà phân tích cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ nhận định. “Không nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ tiếp tục phá vỡ NATO, vì không chỉ Mỹ mà các thành viên NATO khác giờ đây sẽ phải tập trung vào việc phân loại mớ hỗn độn trong liên minh xuyên Đại Tây Dương”.
Tổng thống Trump đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35 nhằm bảo vệ máy bay trước nguy cơ để lộ bí mật tới Nga và một luật liên bang Mỹ yêu cầu áp đặt trừng phạt đối với bất kỳ khách hàng nào thực hiện "giao dịch quan trọng" với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ngăn sự trừng phạt đó bằng cách thúc giục Ankara không sử dụng hệ thống phòng không, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từ chối đề nghị này.
“Đây rõ ràng là một động thái thể hiện tính độc lập đối với các ràng buộc của phương Tây”, nhà lập pháp Hy Lạp Dimitrios Kairidis chia sẻ trên tờ Washington Examiner trong cuộc thảo luận gần đây về những căng thẳng trong liên minh NATO và về việc ông Erdogan quyết định sử dụng vũ khí Nga.
“Tổng thống Erdogan đã gửi tới Washington một thông điệp rằng, ông ấy có quyền hành động độc lập và sẽ làm bất cứ điều gì mà ông ấy muốn. Tất nhiên, điều này mang lại cho Tổng thống Putin một sự hài lòng nhất định”, nhà lập pháp Dimitrios Kairidis cho biết.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga tuyên bố đã sớm tiếp cận được thông tin về vụ thử. “Ba tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã được phóng đi”, hãng thông tấn TASS trích lời “một nguồn tin trong giới quân sự và ngoại giao” cho biết hôm thứ Sáu.
Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm S-400 trong bối cảnh nước này đang hậu thuẫn cho Azerbaijan triển khai việc cuộc tranh chấp biên giới bạo lực với Armenia, nơi có các căn cứ quân sự của Nga.
Nhà lập pháp Hy Lạp cho biết: S-400 là một trong những lá bài mà Ankara đang sử dụng để thử phản ứng của của Moscow. Nga rất nhạy cảm với các nước can dự vào các xung đột ở nước ngoài nên dường như có điều gì đó bất thường ở đây... Có lẽ việc kích hoạt S-400 liên quan tới một sự đàm phán rộng hơn nào đó với Moscow.
Và những động thái mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đã thể hiện ông Erdogan có xu hướng thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của Điện Kremlin, ông Erdemir nhận định.
Trong khi đó, có quan điểm khác lại cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ thử S-400 là một cách để xoa dịu Nga: "Khi ông Erdogan đi ngược lại mong muốn của ông Putin ở chuyện này, ông ấy sẽ lập tức xoa dịu nhà lãnh đạo Nga bằng một chính sách đúng ý của Điện Kremlin".
Một điều rõ ràng, khi thử nghiệm S-400 như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nhà lập pháp Mỹ tức giận, đặc biệt là sau khi có báo cáo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng radar của Nga để theo dõi các máy bay chiến đấu F-16 của Hy Lạp sau cuộc tập trận gần đây.
“Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400 của Nga”, Thượng nghị sĩ James Lankford, thành viên đảng Cộng hòa bang Oklahoma viết trên Twitter trong tuần này.
“Các nước NATO nên cư xử như những đồng minh thực sự và phải chịu trách nhiệm nếu họ không hành động như vậy. Các biện pháp trừng phạt phải được thực hiện nếu xuất hiện những thông tin cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động sử dụng S-400”.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ thử S-400 nhiều khả năng dẫn tới căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ: “Nếu được xác nhận, chúng tôi sẽ lên án mạnh mẽ việc thử S-400 không phù hợp với trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đối tác chiến lược của Mỹ”.
Trong khi đó, đại diện Lầu Năm Góc phát biểu: “Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tạm ngừng tham gia chương trình F-35 và hệ thống phòng không S-400 tiếp tục là rào cản đối với tiến triển trong mối quan hệ song phương”.
Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mua S-400 với Nga trị giá 2,5 tỷ USD và việc chuyển giao đã được tiến hành từ tháng 7/2019.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga đã được sản xuất từ năm 2007. S-400 có thể tiêu diệt chiến đấu cơ, chiến hạm và tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, S-400 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 400km và độ cao 30km dưới hỏa lực dày đặc của kẻ thù.