Ngành dệt may đang "hụt hơi" vì COVID-19?

22/10/2020 07:02

Đến thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn đang làm đảo lộn mọi kế hoạch cũng như chỉ tiêu kinh doanh của khối doanh nghiệp dệt may. Tình trạng thiếu đơn hàng những tháng cuối năm đang tạo ra thách thức lớn đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Mục tiêu xuất khẩu có thể không đạt được.

nganh det may dang hut hoi vi covid 19

Mục tiêu xuất khẩu có thể không đạt vì "đói" đơn hàng

Dù là một trong những ngành hàng chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD trong năm 2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may vẫn đang chịu tác động tiêu cực và nặng nề bởi dịch COVID-19.

Như mọi năm, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau, nhưng năm nay, phần lớn doanh nghiệp dệt may chỉ nhận được đơn hàng từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn mới nhận khoảng 50-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái.

Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 8 tháng năm 2020 ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu của toàn ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn; nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, cùng việc thắt chặt chi tiêu tại các gia đình và chính sách hạn chế đầu tư tại các doanh nghiệp chững lại.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tìm kiếm đơn hàng trong bối cảnh này không dễ với phần lớn các doanh nghiệp dệt may, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần 2 ở nhiều nước và cả Việt Nam. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm, với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp...

"Đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đây là thách thức lớn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Trong khi đơn hàng khẩu trang đã đảo chiều, ít và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất", ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, những tháng cuối năm, đặc biệt, thời điểm tháng 11, 12, năng lực sản xuất của ngành dệt may có thể sẽ giảm đi một nửa, ước khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Để có thể duy trì sản xuất và “giữ chân” người lao động, những tháng cuối năm, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa đồng thời, hạ giá thành sản phẩm để kéo hàng từ những thị trường khác về, từ đó tăng sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động, nhằm “hút” đơn hàng về nước.

Vốn FDI cho ngành dệt may chững lại

Do tác động của COVID-19, từ đầu năm 2020, những dự án FDI mới trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi, dệt nhuộm tại Việt Nam không còn tấp nập như thời gian trước. Mới đây nhất, tháng 7/2020, Công ty TNHH Thời trang Fortunate Hồng Kông Việt Nam đã khởi công Dự án Nhà máy may mặc Fortunate Việt Nam. Dự án chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang may mặc tại Tây Ninh với quy mô 19,2 triệu sản phẩm/năm.

Ngoại trừ dự án trên, những dự án ngành dệt may được khởi công từ đầu năm đến nay đều là những dự án của các nhà đầu tư đã khá biết mặt quen tên tại Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh chung đó, dòng vốn FDI vào dệt may cũng không đi lệch quỹ đạo, với sự thận trọng của các nhà đầu tư.

Đại diện doanh nghiệp dệt may 100% vốn nước ngoài với 2 nhà máy may tại Hải Dương cho rằng, quá trình đầu tư một dự án công nghiệp nặng thường mất 3 - 5 năm nhưng một dự án đầu tư nhà máy may hàng xuất khẩu chỉ mất vài ba tháng để hoàn thiện, tính cả thời gian tuyển dụng nhân công cũng chỉ 8 - 9 tháng. Các dự án nguyên phụ liệu phức tạp hơn nhưng thời gian đầu tư cũng chỉ hơn 1 năm.

Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang kéo nhu cầu thị trường xuống thấp, tiềm ẩn không ít rủi ro cho nhà đầu tư, thì việc thận trọng trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Theo đánh giá mới nhất từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 8 tháng năm 2020, chưa xuất hiện khoản đầu tư lớn nào từ nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam.

“Rất khó để đề cập dòng vốn FDI của các nhà đầu tư mới tại thời điểm này, bởi nhu cầu thị trường đã xuống rất thấp. Các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn như Mỹ, EU vẫn đang chật vật chống dịch, sức mua chưa tăng trở lại… Khi nhu cầu hàng hóa thấp, đương nhiên nhà đầu tư càng thận trọng”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas nhận định.

Nhiều nhà bán lẻ công bố phá sản

Tập đoàn J.Crew, chủ sở hữu chuỗi bán lẻ quần áo nổi tiếng J.Crew đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản, trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên bị gục ngã trong cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Mỹ.

Neiman Marcus, thương hiệu 113 năm tuổi, nổi tiếng với chuỗi cửa hàng thời trang xa xỉ, doanh thu năm 2018 lên tới 4,9 tỷ USD cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 7/5/2020.

Tập đoàn bán lẻ Ascena Retail Group, chủ sở hữu các thương hiệu Ann Taylor, Justice, Lou & Grey và Lane Bryant cũng không tránh khỏi vòng xoáy phá sản.

Cơ hội giúp doanh nghiệp dệt may vượt qua thời kỳ biến động

Hỗ trợ về thị trường, kinh nghiệm, kỹ thuật, quản trị và kết nối thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp Việt Nam từ ...

Sau 8 tháng, Dệt may Thành Công (TCM) hoàn thành 88% kế hoạch lợi nhuận năm

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE - Mã chứng khoán: TCM) công bố báo cáo kết ...

Vinatex chốt quyền trả cổ tức tiền mặt năm 2019

Ngày 21/9 tới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ ...

Bạn đang đọc bài viết "Ngành dệt may đang "hụt hơi" vì COVID-19?" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.