Đến hết tháng 6, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng ăn uống, giảm tới 4% so cùng kỳ. Có ít nhất 30.000 cửa hàng đã đóng cửa, số lượng mở mới có phần hạn chế.
Trước đó, báo cáo của Mibrand cho thấy, cả nước hiện có hơn 500.000 quán cà phê, từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố đến các chuỗi cà phê hiện đại. Trong khi báo cáo của iPOS.vn chỉ thống kê các cửa hàng F&B, không tính mô hình xe đẩy.
Khảo sát chỉ ra, TPHCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giảm tới 6% số lượng cửa hàng trên toàn thành phố. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng đạt mức tăng trưởng nhẹ khoảng 0,1%. Số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn (đóng cửa khi chưa tới 3 tháng hoạt động) đang diễn ra nhiều hơn tại các thành phố lớn .
Một số "ông lớn" F&B cũng thông báo đóng cửa chi nhánh thời gian qua. Hệ thống The Coffee House đồng loạt đóng cửa tại Cần Thơ sau hơn 5 năm hoạt động. Chuỗi này cũng có kế hoạch đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Đà Nẵng sau hơn 7 năm hoạt động. Ngoài ra, một số chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM của chuỗi cà phê này cũng âm thầm rút khỏi thị trường.
Cửa hàng Starbucks Reserve đầu tiên ở trung tâm quận 1, TPHCM vừa thông báo đóng cửa sau 7 năm hoạt động.
Số liệu cho thấy, dù số lượng cửa hàng sụt giảm, nhưng doanh thu toàn ngành vẫn đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tương đương 68% doanh thu của cả năm 2023. “Nguyên nhân một phần do lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Các cửa hàng ra nhiều chương trình khuyến mại kích cầu”, đại diện IPos cho biết.
Đáng chú ý, kinh tế khó khăn không ảnh hưởng quá nhiều tới việc đi ăn ngoài của người Việt. Nhóm khách hàng ăn ngoài hàng ngày, 1-2 lần/tuần hoặc 3-4 lần/tuần đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức chi cho việc đi cafe giảm mạnh, tần suất cũng giảm đáng kể; tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly nước đã giảm mạnh từ 6% xuống 1,7%. Mức giá tầm trung 41.000 - 70.000 đồng/ly nước trở nên phổ biến hơn.
Người tiêu dùng cũng giảm tần suất đi cafe do áp lực công việc tăng cao. Theo đó, có tới 41,7% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi cafe, và 32,3% đi cafe với tần suất 1-2 lần/tuần. Kinh tế khó khăn đã khiến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu cho các dịch vụ không thiết yếu.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp cũng ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh. Trong nửa cuối năm, 60% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi chỉ có hơn 34% dự kiến mở rộng cơ sở mới. So với cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới gần 52%.