NTK Thủy Nguyễn: 'Tôi không dạy lịch sử hay văn hóa truyền thống'

Admin

23/11/2020 08:15

Thủy Nguyễn khẳng định cô là nghệ sĩ và mong muốn sáng tạo nhiều tác phẩm dựa trên nền tảng con người, văn hóa Việt Nam.

Thuy Nguyen lam ao dai anh 1

Mỗi người có cách làm thời trang khác nhau. Thủy Nguyễn cũng có cảm nhận riêng về ngành nghề này, không giống những nhà thiết kế được đào tạo bài bản.

"Thời trang không chỉ là quần áo"

- Thủy Nguyễn được biết đến như "người phụ nữ bất thường". Tại sao tên triển lãm lại là "Mộng bình thường"?

- Riêng tôi nhìn nhận bản thân là người bình thường. Trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, tôi tự hỏi mong muốn của chúng ta là gì? Đó có phải sự bình thường, lắng đọng và bình yên ở một nơi không bị tác động bởi những thứ xung quanh?

Trong cái bình thường của tôi, khi mọi người cảm nhận, đâu đó sẽ thấy sự tâm huyết, chăm chỉ và cố gắng làm việc trong suốt 9 năm. Để được bình thường, chúng ta phải chăm chỉ, học hỏi và đấu tranh.

Tôi lấy ví dụ như phi thường thì cái gì cũng được gọi là phi thường. Điều phi thường phải bắt đầu bằng sự bình thường. Trải qua nhiều điều trong cuộc sống, tôi chiêm nghiệm ra để đạt được những cái bình thường cũng rất vất vả.

- Buổi triển lãm như lời nhắn gửi của chị đến giấc mơ về sự bình thường trong xã hội ngày nay?

- Thật ra từ xưa đến nay trong suy nghĩ của Thủy Nguyễn không phải việc mọi người thấy cái gì, mà cách sáng tạo của bản thân đến từ việc tôi thấy điều gì. Có một giai đoạn nào đấy, mọi người sẽ cùng thấy những thứ tôi đang cảm nhận.

Bình thường là một trong những trạng thái cân bằng. Đôi lúc lên cao nhưng có khi xuống thấp. Tác phẩm của tôi là thứ không thể lừa dối mọi người. Bởi nếu những thứ tôi làm là nhàm chán, bên trong bản thân cũng sẽ như thế.

- "Mộng bình thường" dành cho mọi người hay chỉ gói gọn trong một số đối tượng yêu thích văn hóa truyền thống?

- Tất nhiên, khi quyết định tổ chức buổi triển lãm, tôi mong muốn mọi người gồm những ai yêu nghệ thuật, quan tâm đến thời trang hay đối tượng bình thường, đều có cơ hội gặp nhau.

Điều tôi mong muốn nhất chính là mọi người nhìn thời trang bằng cách khác. Không chỉ nói về quần áo mà còn là tính cách hay tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong bảo tàng.

Những câu chuyện về lịch sử Việt Nam không phải chúng ta không biết hay có thể biết rất rõ nhưng đôi khi quên mất. Đối với tôi, nó là kỷ niệm.

Triển lãm này chính là cách để tôi nói về câu chuyện thời trang phải gắn liền với sự đương đại. Lấy ví dụ về tà áo dài, tôi không muốn mãi như vậy. Nó phải phát triển như thế nào? Tương lai tà áo dài sẽ ra sao? Đó chính là câu hỏi khiến tôi luôn trăn trở từ xưa đến bây giờ.

- Ý nghĩa đằng sau buổi triển lãm của Thủy Nguyễn là gì?

- Tôi không có thông điệp nào cho buổi triển lãm. Mỗi cảm xúc và cách mọi người nhìn nhận vào từng tác phẩm sẽ mang đến cho họ một ý nghĩa riêng.

Tôi cũng không phải nhà thiết kế thời trang để đưa ra những phom dáng chuẩn cho từng tác phẩm. Đối với tôi, đó là cảm xúc. Mọi người bước vào buổi triển lãm, sau đó bước ra và nghĩ đến điều gì thì đấy là ý nghĩa quan trọng nhất của Mộng bình thường.

- Tại sao không phải là show diễn hoành tráng đánh dấu chặng đường 9 năm mà lại là buổi triển lãm thời trang?

- Nếu tổ chức show diễn hoành tráng thì điều này Thủy Nguyễn đã làm cách đây nhiều năm. Lần này, tôi muốn suy nghĩ mọi người khác một chút. Mộng bình thường giúp chúng ta được gần, cảm nhận và trải nghiệm những cảm xúc trong từng bộ sưu tập, không phải sàn runway chớp nhoáng.

"Tôi không muốn chúng ta chỉ ở đây và chơi với nhau"

- Chị có đặt lợi nhuận là điều ưu tiên khi tổ chức triển lãm?

- Tôi nghĩ khán giả đều có thể tự trả lời được rằng Thủy Nguyễn không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Cách thay đổi nhìn nhận của mọi người về thời trang là yếu tố tiên quyết.

Quan trọng hơn hết chính là cho họ thấy được cách cảm nhận của Thủy Nguyễn về thời trang. Đối tượng được lợi chính là người xem triển lãm, các bạn trẻ mới vào nghề (trong tương lai trở thành đồng nghiệp của tôi). Họ sẽ được nghe những chia sẻ, có thời gian ngắm nhìn thời trang một cách gần gũi nhất.

- Đây là những bộ sưu tập từng ra mắt công chúng, chị có sợ khán giả cảm thấy nhàm chán khi đến triển lãm?

- Các bộ sưu tập cũng không có gì quá mới. Nhưng lần này, ngoài việc nhìn nhận bằng thị giác, mọi người sẽ được đi vào sâu bên trong để hiểu hết câu chuyện đằng sau sự sáng tạo trên từng tác phẩm.

- Buổi triển lãm trưng bày các thiết kế đậm chất Việt Nam, tại sao chị lại kết hợp cùng giám tuyển người nước ngoài?

- Lý do đầu tiên tôi muốn chính là sau này có thể đem triển lãm đến nhiều nơi khác, không chỉ riêng TP.HCM và Hà Nội. Trong trường hợp chúng ta đem show diễn quá Việt Nam, người nước ngoài khó thể cảm nhận.

Tiếp đến, tôi muốn có sự nhìn nhận những tác phẩm của mình ở phía khác. Đó không phải bản thân tự chơi, tự làm hay thỏa mãn với chính mình. Nếu để nói kết hợp với một người Việt Nam làm giám tuyển thì đó đã là tôi. Tôi cần một người để họ nói cho mình biết đúng hay sai. Việc làm như thế ở nước ngoài không có gì mới lạ.

Tôi rất cởi mở và cho phép một người ở nền văn hóa khác đi vào tâm tư của mình. Họ sẽ dạy những thứ tôi cần và khơi được tiềm ẩn bên trong. Tôi không muốn chúng ta chỉ ở đây và chơi với nhau. Điều quan trọng nhất chính là truyền tải chính sự hội nhập với quốc tế.

- Thủy Nguyễn có lo sợ sự khác biệt văn hóa?

- Tôi không sợ điều này bởi những tác phẩm gắn mác Thủy Nguyễn rất rõ rệt trong giới thời trang. Suốt quá trình làm việc, tôi biết rằng bản thân cần gì và chuyện Tây hóa chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc trộn lẫn vào nhau, không còn nhận ra bản sắc Việt Nam là điều không bao giờ được phép xuất hiện trong bất cứ tác phẩm nào của Thủy Nguyễn.

Đôi khi, tôi cũng có tranh luận với người giám tuyển bởi sự kết nối chưa đủ sâu để hiểu những mong muốn của đôi bên. Nhưng dù thế nào, quan điểm của tôi vẫn giữ cho đến cuối cùng.

- Với sự sáng tạo của người ngoại quốc, chị có nghĩ rằng họ đủ sự hiểu biết để truyền tải văn hoá Việt Nam?

- Người giám tuyển của tôi từng đến Việt Nam nhiều lần. Khi bắt đầu hợp tác, cô ấy đến các thương hiệu thời trang trong nước để biết được guồng quay vận hành như thế nào.

Cô cũng nghiên cứu thêm về những ngành nghề thủ công ở Huế hay tranh Hàng Trống, Đông Hồ nhằm hiểu cách kết nối văn hoá truyền thống của người Việt. Ngoài ra, cô ấy còn thường dành thời gian đến bảo tàng tại TP.HCM, Hà Nội hay gặp gỡ cha mẹ để hiểu hơn về con đường của Thủy Nguyễn.

- Chị có sợ gây tranh cãi về sự kết hợp giữa tinh thần phương Tây trong các tác phẩm đậm chất Việt Nam?

- Tôi nghĩ nếu những tranh cãi xảy ra, chắc chắn sẽ có hai mặt của vấn đề. Đầu tiên có thể là điều tốt, bởi câu chuyện Tây hóa giúp mỗi người phát triển được bản thân. Còn việc đánh mất bản sắc thì chúng ta phải tự vấn lại chính mình.

"Trang phục truyền thống không đủ sức cạnh tranh với thiết kế hiện đại"

- Tổ chức triển lãm không quá mới trong giới thời trang Việt, Thủy Nguyễn có nghĩ rằng bản thân chậm hơn so với thời đại?

- Sự thật là tôi đi chậm hơn thời đại. Tuy nhiên, tôi không đắn đo hay suy nghĩ nhiều về câu chuyện phải đi trước ai hay đến sau người nào.

Tôi chỉ cần biết việc mình làm đúng thời điểm và với chính mình là đủ. Sự so sánh giữa người này hay người khác không quan trọng. Quan điểm của tôi chính là bản thân đã cống hiến điều gì. Việc nhìn nhận như thế nào đến từ suy nghĩ của mọi người.

- Chị làm cách nào để kết nối giới trẻ với những giá trị truyền thống Việt Nam?

- Tôi khẳng định bản thân không làm về lịch sử, cũng không phải người làm về văn hóa truyền thống. Tôi là nghệ sĩ và muốn sáng tạo nhiều tác phẩm dựa trên nền tảng con người, văn hoá Việt Nam.

- Quay về khía cạnh người trẻ bắt đầu tìm về giá trị truyền thống. Chị nhận định thế nào về trang phục mang đậm văn hóa bản sắc trong thị trường thời trang ngày nay?

- Đối với tôi, trang phục mang đậm bản sắc văn hóa giống như kỷ niệm ngày xưa. Chúng ta từng trải qua mà chính mình đã quên. Do đó, việc làm của tôi là biến những điều ấy trở nên đương đại hơn, gợi nhớ về thứ từng xảy ra.

Tôi nghĩ trang phục đậm tính truyền thống không đủ sức cạnh tranh với thiết kế mang màu sắc hiện đại. Dù vậy, nó lại là ký ức, văn hóa mà con người chắc chắn sẽ không bao giờ mất đi.

Những thứ hiện đại cũng gói gọn trong câu chuyện xu hướng, trào lưu thì không thể trụ lại được lâu. Tôi đảm bảo người phụ nữ nào cũng mong muốn có một chiếc áo dài trong tủ quần áo.

- Thủy Nguyễn có sợ sau này sẽ cạn kiệt ý tưởng và bị thay thế bởi người khác?

- Tôi nghĩ chắc chắn sẽ đến một ngày ý tưởng của mình bị cạn kiệt, không còn đủ sự sáng tạo để làm ra tác phẩm.

Chuyện người khác thay thế là điều bình thường. Bởi đam mê hay năng lượng của chúng ta chỉ có một lúc và sức khoẻ cũng bị giới hạn. Đến ngày đó, tôi sẽ truyền hết tâm huyết cho người thay thế để tiếp nối câu chuyện dang dở của Thủy Nguyễn.

Tôi trân trọng, tự hào về sự tìm tòi và nghiên cứu của các bạn trẻ liên quan đến văn hóa Việt Nam. Điều này giúp chúng ta có thể giữ gìn, bảo quản di sản lịch sử mang tính truyền thống.

Thuy Nguyen lam ao dai anh 10

NTK Thủy Nguyễn kết màn cùng Hoa hậu Kỳ Duyên trong show diễn năm 2017. Ảnh: Thuy Design House.

Bạn đang đọc bài viết "NTK Thủy Nguyễn: 'Tôi không dạy lịch sử hay văn hóa truyền thống'" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.