Ông chủ thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép là ai?

Admin

18/11/2020 11:26

Cách đây ít tuần, một dự án khác của Tấn Phát Group là Thủy điện Plei Kần cũng đã bị UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu dừng ngay việc tích nước trái phép.

img-20201114153009-1605348737017-1605566996848364756045

Thủy điện Thượng Nhật (Ảnh: )

Ngày 14/11/2020, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi CTCP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, yêu cầu doanh nghiệp này dừng ngay việc tích nước, đồng thời mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn dự án thủy điện Thượng Nhật theo quy trình vận hành hồ chứa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh: "Việc tích nước hồ chứa chỉ được thực hiện khi có văn bản đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Được biết, công trình nhà máy thủy điện Thượng Nhật có công suất 11MW và được cấp phép đầu tư năm 2007 với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 158 tỷ đồng. Dự án này được khởi công vào tháng 5/2008, dự kiến hoàn thành giữa năm 2010. Tuy nhiên việc thi công diễn ra cầm chừng và đến năm 2016 thì khởi động lại, đến cuối năm 2019 thì hoàn thành. Dẫu vậy thủy điện này còn có nhiều vướng mắc trong việc đền bù mặt bằng cho người dân nên nhiều lần bị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nhắc nhở và chưa cho phép tích nước.

Doanh nghiệp dự án là CTCP đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam. Trên website chính thức, CTCP Tấn Phát (Tấn Phát Group) giới thiệu Thượng Nhật nằm trong số các dự án của mình. 

Đáng chú ý là cách đây ít tuần, vào đầu tháng 11, dự án thủy điện Plei Kần, một dự án do Tấn Phát làm chủ đầu tư tại Kon Tum cũng bị tuýt còi vì tích nước trái phép, như Nhadautu.vn đã đưa tin.

Theo tìm hiểu, Tấn Phát được thành lập vào ngày 7/3/2000, trụ sở chính tại Lô T2, khu công nghiệp Hòa Bình, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Tính đến ngày 4/3/2020, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 421 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Quân (SN 1977), đáng chú ý, ông Quân cũng là thành viên HĐQT tại Thủy điện miền Trung Việt Nam. Còn Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Ngọc Tưởng (SN 1973).

Trên trang chủ, Tấn Phát cho biết doanh nghiệp này đang đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh 7 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy thủy điện Đăk Ne (8,1MW), Đăk Pia (2,2MW), Đăk Gret (3,6MW), Đăk Bla 1 (17MW), Đắk Xú (3MW), Tà Vi (3MW) và nhà máy thủy điện Thượng Nhật (11MW). Đồng thời, đang tổ chức thi công xây dựng 5 công trình thủy điện, bao gồm: Công trình thủy điện Plei Kần (17MW), Đăk Psi 6 (12MW), Đăk Piu 2 (4MW), Đăk Glun 2 (10MW) và Plei Kần Hạ.

Bên cạnh đó, Tấn Phát còn hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản với Nhà máy khai thác và tuyển quặng vàng Đăk Blô được xây dựng vào tháng 11/2015 với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng.

Screenshot (252)

 

Về tình hình kinh doanh, trong 4 năm trở lại đây cả doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của Tấn Phát (công ty mẹ) liên tục đi xuống. Như năm 2016, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 398,8 tỷ đồng, con số này giảm xuống còn 356,3 tỷ đồng vào năm 2017 và còn 146,8 tỷ đồng vào năm 2019. Lợi nhuận thuần tương ứng cũng giảm từ 16,8 tỷ đồng (năm 2016) xuống 453 triệu đồng (năm 2019).

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Tấn Phát lần lượt đạt 1.216 tỷ đồng và 347,6 tỷ đồng, ngoài ra nợ phải trả cũng đã ở mức 868,5 tỷ đồng.

Ngoài Tấn Phát, ông Nguyễn Ngọc Tưởng còn là chủ sở hữu nhiều doanh nghiệp khác như Công ty năng lượng gió Tây Nguyên, Công ty Tân Phước, Công ty năng lượng sạch Kon Tum, Công ty Trường Giang, Công ty Đắk Piu 2, CTCP Phát Lợi, CTCP Thu Thủy và CTCP Phương Thảo.

Về phần mình, CTCP đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam được thành lập vào tháng 4/2007, trụ sở đặt tại thôn Phú Thuận, xã Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, trong 3 năm từ 2017-2019, doanh nghiệp này chưa phát sinh doanh thu lẫn lợi nhuận. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Thủy điện miền Trung đạt 352,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 128,3 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là ông Lê Văn Khoa (SN 1982).

Ngoài Thủy điện miền Trung Việt Nam, ông Lê Văn Khoa còn là người đại diện cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Phát Lợi, CTCP Đầu tư thủy điện Đăk Psi 6, CTCP Đầu tư EVS Holdings, CTCP Đầu tư thủy điện Đăk Psi Kon Tum, CTCP Đầu tư thủy điện Plei Kần Hạ và là Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại CTCP Đầu tư năng lượng Đại Trường Thành Holdings (DTT Holdings).

Bạn đang đọc bài viết "Ông chủ thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép là ai?" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.