Rau quả Việt lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc: Kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD không còn xa

Admin

21/11/2024 17:00

Việc đưa được các mặt hàng trái cây Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng mạnh hơn.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả 10 tỷ USD không còn xa

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch cho Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, khoai lang, cây xạ đen. Trong đó, đáng chú ý, thị trường này hiện tiêu thụ đến 90% vải thiều, 80% thanh long của Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong cả năm 2024. Riêng mặt hàng sầu riêng, ước tính đến hết tháng 9/2024 đã vượt mốc 2,5 tỷ USD, và dự kiến có thể đạt hơn 3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024. 

Đáng chú ý, với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai không xa.

Bên cạnh đó, số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, riêng Trung Quốc là 3,63 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Dự báo, năm 2024, kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng rau quả xuất khẩu.

Rau quả Việt lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc: Kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD không còn xa- Ảnh 1.

Nước ta có nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nước ta có nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả sang Trung Quốc, khi mà nhu cầu tiêu thụ rau quả của thị trường này rất lớn. Đặc biệt, nếu đưa được các mặt hàng trái cây Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Nông sản Việt chính thức bước lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc

Theo Bộ Công thương, chính quyền địa phương cần thống nhất thực hiện quy định trong quản lý thương mại biên giới. Cụ thể, trong năm 2029, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hóa theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Từ 1/1/2029, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu. Từ 1/1/2030, hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ được làm thủ tục tại: cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính; cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới...

Trong suốt thời gian qua, nước ta đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời đa dạng hóa các mặt hàng đưa sang thị trường tỷ dân này. 

Gần đây nhất, ngày 19/8, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, nước ta đã hướng đến những mục tiêu cao hơn để chiếm lĩnh thị trường khi hợp tác xây dựng và vận hành gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc. Thông qua đó, tăng cường hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản và tiếp cận trực tiếp với thị trường này để thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản có thế mạnh, naag cao giá trị kinh tế. Kết quả là ngày 20/11, Lễ ra mắt gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để phát triển lâu dài, doanh nghiệp Việt cần xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, cần hướng đến việc đặt chân lên các sàn thương mại điện tử tại đây. "Khi kết nối được với hệ thống sàn thương mại điện tử, hàng nông sản Việt sẽ trực tiếp tiếp cận với người tiêu dùng Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt sẽ hạn chế được các chi phí về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và bớt đi những lo lắng về việc chi phí vận chuyển", Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đưa nông sản Việt giới thiệu lên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc là thành công đáng ghi nhận trong đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế; để kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt tăng trưởng bứt tốc trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết "Rau quả Việt lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc: Kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD không còn xa" tại chuyên mục THƯƠNG HIỆU. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.