Tăng cường kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch

24/10/2020 07:45

Tăng cường kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch Trang chủTin tứcVăn hóaDu lịchQuản lý nhà nướcHoạt động du lịchDoanh nghiệpChính sáchĐào tạoMừn...

Ngày 13/10 tại Hà Nội, Khoa Du lịch - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Đại dịch COVID-19 và yêu cầu đặt ra với quá trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay”.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch nêu rõ, Hội thảo là dịp để các cơ sở đào tạo lắng nghe những chia sẻ của doanh nghiệp du lịch về những khó khăn hiện nay đối với nguồn nhân lực du lịch trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp trên cơ sở những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn đối với cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. “Hội thảo cũng là dịp để doanh nghiệp, nhà giáo, nhà khoa học trong lĩnh vực du lịch gặp gỡ, chia sẻ những thách thức, làm rõ những khó khăn gặp phải cũng như những giải pháp khắc phục khủng hoảng sau đại dịch COVID-19”, PGS.TS Dương Văn Sáu nhấn mạnh.

Hội thảo đã tập trung, thảo luận những vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến công tác đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Ngành với những chủ đề như: Những biến đổi về cơ cấu, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch do đại dịch gây ra; Ứng phó của doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch trước áp lực của đại dịch COVID-19; Chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp du lịch vượt khó trong bối cảnh hiện nay; Yêu cầu đặt ra đối với quá trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay; Giải pháp điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn…

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao càng cấp thiết sau đại dịch COVID-19. Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng khẳng định, giá trị của các doanh nghiệp nằm ở nguồn nhân lực. Qua 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, đội ngũ nhân lực của đa số doanh nghiệp đã chuyển sang ngành nghề khác, có thể tạm thời hoặc lâu dài nếu tình hình không được cải thiện. Do đó, giữ chân nguồn nhân lực chính là giải pháp đầu tiên mà Hanoitourist tính đến. Để tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, bên cạnh các yếu tố về tài nguyên, hạ tầng, cơ sở vật chất... thì con người - nguồn nhân lực được xem là một chìa khóa mở ra cánh cửa chất lượng cho sản phẩm. “Chúng tôi đã và đang tập trung đầu tư hàng loạt sản phẩm mới dựa trên những nghiên cứu từ nhu cầu hiện tại của khách. Nếu như trước đây, khách du lịch đi theo đoàn lớn, du lịch biển thì nay chuyển sang đi đoàn nhỏ và hướng vào du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử. Khi xây dựng sản phẩm, Hanoitourist chú trọng đến trải nghiệm và cảm xúc của khách. Để tạo ra sản phẩm du lịch hoàn thiện đáp ứng được những yêu cầu trên, nguồn nhân lực của Hanoitourist đã được bồi dưỡng, đào tạo lại”, ông Thắng chia sẻ.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, nhân lực là nhân tố ảnh hưởng đến tình cảm, sự thỏa mãn của du khách đối với điểm đến và với thương hiệu doanh nghiệp. Theo Tổng Giám đốc Sài Gòn - Phú Thọ Hotel Trần Thanh Sơn, trong quá trình xây dựng sản phẩm mới, việc bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cần được doanh nghiệp thực hiện song song. Có sản phẩm mới duy trì được nguồn nhân lực, song nhân lực cũng cần được đào tạo chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu đặt ra trong tình hình mới. Ông Sơn cho rằng, “để làm tốt vấn đề này, chúng tôi có những chương trình hỗ trợ sinh viên, có chính sách gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo. Trong thời gian qua, Sài Gòn - Phú Thọ Hotel  tạo điều kiện cho sinh viên được cọ sát, trải nghiệm thực tế”.

Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo cần phải cho sinh viên chuyên ngành du lịch kiến tập ngay trong năm học đầu nhằm định hướng nghề nghiệp, tránh lãnh phí thời gian. Theo ông Tài, vấn đề thực học, thực hành và thực nghiệp phải được thực hiện đồng bộ. Thực học nghĩa là được cung cấp các giáo trình, chương trình học sát thực, đúng chuyên ngành sao cho không phải đào tạo lại. Thực hành phải trên thực tế công việc, đủ thời gian và chuyên môn theo yêu cầu. Chất lượng và số lượng lao động du lịch cao cấp hiện nay đang trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp du lịch. Lâu nay đa phần các trường đại học đào tạo với thời gian từ 4 - 5 năm, song ở đó có những chuyên ngành với những môn học chưa sát với nhu cầu thực tế, khả năng ứng dụng không cao, như quản lý nhân sự, quản trị chiến lược, quản lý tài chính… Trong khi đó, nghiệp vụ điều hành, kỹ năng CEO… lại vô cùng cần thiết. Vì vậy, chương trình đào tạo nhân lực du lịch phải được xây dựng hợp lý để bảo đảm đáp ứng nhu cầu xã hội, định hướng hội nhập và yêu cầu dịch chuyển lao động trong khu vực và quốc tế. “Đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, được xem là nhân tố tiên quyết cho sự phát triển doanh nghiệp nói riêng và ngành Du lịch nói chung. Các doanh nghiệp du lịch mong muốn, giữa nhà trường và doanh nghiệp cần mở rộng nhiều hơn hình thức hợp tác để tăng cường chất lượng đào tạo”, ông Tài nhấn mạnh.

Doanh nghiệp du lịch có thể cùng tham gia đào tạo bằng cách đánh giá, phản biện nội dung chương trình để cơ sở đào tạo chỉnh sửa phù hợp thực tế. Về phía nhà trường chủ động cập nhật, đổi mới chương trình theo hướng linh hoạt trên cơ sở đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp yêu cầu doanh nghiệp... Có như vậy, việc liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch mới có thể mang lại hiệu quả cao”, PGS.TS Dương Văn Sáu khẳng định.

Tuấn Hải

Bạn đang đọc bài viết "Tăng cường kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.