Thủ tướng: Đã có chủ trương xử lý 12 dự án yếu kém kéo dài

Admin

21/11/2024 05:00

Thủ tướng cho biết đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xử lý 12 dự án yếu kém kéo dài. Chính phủ sẽ xử lý các vấn đề trong thẩm quyền và xin ý kiến Quốc hội nếu vượt quyền hạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội chiều 12/11. Ảnh: Quochoi.

Trong phiên chất vấn Thủ tướng chiều 12/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết các dự án tồn đọng. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về một số dự án chưa được xử lý và tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém.

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, 12 dự án yếu kém kéo dài cơ bản xin xong chủ trương của Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng ý.

Từ đó, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ xử lý; vấn đề nào vượt quyền hạn của Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo xin ý kiến Quốc hội.

"Trên cơ sở đó sẽ rà soát xem dự án tương tự, xử lý trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, bởi dự án đã thất thoát, ai vi phạm cũng bị xử lý", Thủ tướng nói. Với các vấn đề vượt quá thẩm quyền, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xin ý kiến của Quốc hội.

Thủ tướng nhắc lại một trong những dự án tồn đọng được tháo gỡ như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2...

Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định việc tôn trọng hiện trạng của các dự án tồn động kéo dài, từ đó ban hành các cơ chế, chính sách để xử lý, thẩm quyền của cá nhân nào thì người đó phải thực hiện.

"Về 4 ngân hàng yếu kém, vừa rồi chúng ta đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng, còn 2 ngân hàng đang làm. Với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), việc xử lý theo tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống, quyền lợi hợp pháp của người dân, kiểm soát tài sản không để thất thoát", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, chia sẻ về giải pháp thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia, người đứng đầu Chính phủ khẳng định cần có giải pháp bứt phá tăng trưởng, bao gồm hạ tầng số, giao thông, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, đầu tư cho các động lực truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu.

"Cần tạo ra đột phá về hạ tầng chiến lược với những công trình mang tính xoay chuyển tình thế, chứ không phải bình bình như hiện nay", Thủ tướng nói.

Nguồn lực cho các dự án này gồm ngân sách nhà nước, địa phương, vốn vay và hợp tác công tư. Đồng thời, việc đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của các dự án.

"Mong Quốc hội ủng hộ các dự án lớn này, trong đó có đường sắt tốc độ cao, sân bay Long Thành giai đoạn 2", Thủ tướng bày tỏ.

Lãnh đạo Chính phủ đồng thời chỉ rõ trong 3 năm, Việt Nam đã hoàn thành gấp đôi số lượng đường cao tốc dù ban đầu cũng có những lo ngại về nguồn vốn, qua đó khẳng định hiệu quả của việc tập trung nguồn lực cho các dự án lớn.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Thủ tướng: Đã có chủ trương xử lý 12 dự án yếu kém kéo dài" tại chuyên mục NGÂN HÀNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.