Trúng đấu giá biển số xe được sở hữu suốt đời, được quyền định đoạt

Admin

25/10/2020 21:53

Sau khi trúng đấu giá biển số, chủ xe sẽ được quyền sở hữu biển số, có quyền định đoạt như mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, thế chấp...

trung-ta-nguyen-viet-cong-1603383030-width500height309

Trung tá Phạm Việt Công

Khi trúng đấu giá biển số, chủ nhân có thể có toàn quyền quyết định, định đoạt, sở hữu biển số đến hết đời, thay vì biển số chỉ đi theo xe như hiện nay. Đây là một trong những giải pháp mà Bộ Công an tính toán khi xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ để đảm bảo khách quan, minh bạch trong quá trình đấu giá biển số ôtô, nếu được Quốc hội thông qua.

Báo Giao thông trao đổi với Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng kí và quản lý phương tiện, Cục CSGT (Bộ Công an) xung quanh vấn đề này.

Biển số xe là tài sản cá nhân

Hàng chục năm trước đây, việc đấu giá biển số xe đã được đặt ra, thậm chí một số địa phương đã thực hiện nhưng rồi bị “tuýt còi”, vì sao đến nay Bộ Công an lại đề xuất việc này, thưa ông?

Việc đấu giá biển số đã được Chính phủ và Bộ Công an nghiên cứu đề xuất, đồng thời đã tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Thực tế, việc này đã được đặt ra từ hơn chục năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì vướng một số quy định của pháp luật. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã triển khai chọn biển số theo sở thích hoặc qua đấu giá. Qua đó, người dân được chọn biển số theo ngày sinh, con số, chữ may mắn, phù hợp với nhu cầu của mình.

Thực hiện đấu giá biển số xe có nhiều lợi ích. Thứ nhất, đáp ứng một số nguyện vọng của người dân trong việc sở hữu và sử dụng biển số xe. Thứ hai, đem lại nguồn ngân sách cho Nhà nước. Thứ ba, thông qua đấu giá biển số xe, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt, đảm bảo vừa đăng ký, quản lý biển số nói chung và biển số xe tham gia giao thông nói riêng, đảm bảo công bằng, khách quan trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước và đảm bảo quyền lợi nhu cầu người dân về sử dụng biển số theo sở thích và ý muốn.

Tới đây, nếu được chấp thuận, việc đấu giá biển số xe sẽ được triển khai thế nào?

Dự thảo đề án về đấu giá biển số đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ bản đã hoàn thiện lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Việc đấu giá biển số xe, được Bộ Công an đưa vào Luật Bảo đảm trật tự ATGT. Khi dự thảo luật này được thông qua thì Bộ Công an sẽ báo cáo Thủ tướng và tổ chức triển khai theo đúng lộ trình.

Về phương thức đấu giá, dự kiến Cục CSGT sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu về kho số. Hàng tháng, các Phòng CSGT sẽ đưa lên hệ thống này và thông báo cho người dân để lựa chọn, đấu giá theo quy định.

Hiện nay, người tham gia các cuộc đấu giá đều mất một khoản phí ban đầu. Nhưng với hình thức đấu giá biển số xe, người dân sẽ không phải mất phí và việc này sẽ được diễn ra trên mạng, thay vì trực tiếp. Dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sẽ nộp phần lớn vào ngân sách Nhà nước, góp thêm vào mua sắm phương tiện, in ấn biểu mẫu...

Nếu dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT được Quốc hội thông qua, khi trúng đấu giá biển số, chủ nhân có thể có toàn quyền quyết định, định đoạt, sở hữu biển số cho đến hết đời, thay vì biển số chỉ đi theo xe như hiện nay.

Vậy, những vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?

Trước đây, một trong những vướng mắc khiến chưa thể thực hiện được đấu giá biển số xe là do Luật Quản lý tài sản công năm 2017 quy định kho số của biển số xe do Bộ Công an đang sử dụng để đăng ký xe là tài sản công nhưng Luật GTĐB năm 2008 quy định cấm mua bán biển số xe.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đã sửa đổi quy định này, theo đó chỉ cấm mua bán trái phép biển số xe, còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp.

Không có phương tiện vẫn được đấu giá biển số xe 

bam-bien-so-xe-gxmt-1603383165-width1000height654-auto-crop

Biển số xe hiện nay chỉ đi theo xe

Biển số xe đã đấu giá sẽ được gắn cố định cho 1 chiếc xe hay có thể gắn cho nhiều xe khác nhau, thưa ông? Nếu có thể gắn cho các phương tiện khác, thì chủ sở hữu biển số xe phải làm thủ tục tại cơ quan đăng ký xe thế nào?

Người trúng đấu giá biển số có thể gắn vào phương tiện của mình. Trong trường hợp không muốn sử dụng chiếc xe đó thì có thể chuyển nhượng xe cho người khác và giữ lại biển số. Việc chuyển nhượng này bắt buộc phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Việc biển số trúng đấu giá có thể theo người hoặc theo xe không khó để quản lý, bởi với cơ sở dữ liệu dùng chung về đăng ký quản lý xe được Cục CSGT thực hiện từ năm 2009 đến nay, việc thay đổi biển số hay phương tiện không có gì là khó khăn.

Như vậy, theo đề xuất này, sau khi trúng đấu giá biển số, chủ xe sẽ được quyền sở hữu biển số, có quyền định đoạt như mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, thế chấp theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Đề xuất này không áp dụng với các loại biển số xe đăng ký theo hình thức chọn ngẫu nhiên như hiện nay..

Biển số xe sau khi đấu giá là tài sản gắn bó suốt đời với chủ xe, vậy chủ xe có được bán, cho, tặng biển số xe và việc này có gây khó khăn cho công tác quản lý, đăng ký phương tiện không, thưa ông?

Căn cứ vào các quy định hiện hành, Bộ Công an đang đề xuất theo hướng đảm bảo quyền của người dân theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản, khi đấu giá thì người dân trúng đấu giá biển số sẽ đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành. Còn quá trình quản lý, Bộ Công an sẽ nghiên cứu quy định, các biện pháp theo hướng thuận lợi nhất cho người dân, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý Nhà nước trong việc đăng ký và lưu hành phương tiện, trong đó có biển số xe đấu giá.

Đối với những người chưa có xe thì có được đấu giá không, thưa ông?

Quá trình thực hiện đề án đấu giá biển số, sẽ có quy định cụ thể về điều kiện của người tham gia đấu giá. Bộ Công an sẽ nghiên cứu về quy định sau thời gian trúng đấu giá, biển số sẽ phải đăng ký gắn vào phương tiện. Bởi, biển số xe nếu để độc lập không có một giá trị gì về vật chất và ý nghĩa của nó.

Người dân vẫn có thể tham gia đấu giá biển số khi chưa có xe. Bởi, biển số sau đấu giá sẽ có đầy đủ 3 quyền sử dụng, quyền chiếm hữu và quyền định đoạt theo quy định của pháp luật.

Cảm ơn ông!

“Có thể thu hàng nghìn tỷ đồng”

Trong các năm 2017, 2018, trên diễn đàn Quốc hội, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã nhiều lần nêu quan điểm coi biển số xe là một nguồn tài nguyên và đưa vào đấu giá để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Ông Cảnh cho biết, ông đã nghiên cứu và thấy rằng, trong mỗi series số, ví dụ từ BKS 30A-000.01 đến 30A-999.99 có 99.999 số, sẽ có trên 12.000 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ.

“Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng hơn 1.600 tỷ đồng. Với lượng ô tô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số xe công, thì trong năm 2016 chúng ta có thể thu gần 5.000 tỷ đồng. Nếu triển khai tương tự cho xe 2 bánh cũng thu số tiền không kém”, ông Cảnh cho biết.

Khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đặt câu hỏi: “Đưa ra đấu giá kho số đẹp thu được hàng nghìn tỷ như vậy, vì sao chúng ta lại không làm?”.

PV

(Theo báo Giao thông)

Bạn đang đọc bài viết "Trúng đấu giá biển số xe được sở hữu suốt đời, được quyền định đoạt" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.