TS Cấn Văn Lực: TP. Đà Nẵng cần mở thêm quỹ đất mới, không gian phát triển mới

Admin

27/11/2024 13:00

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc xây dựng khu Thương mại tự do là hướng mở để tạo dư địa, thúc đẩy phát triển và đa dạng hóa kinh tế Đà Nẵng. Tại đây, hoàn toàn có thể tích hợp đa chức năng như xây dựng trung tâm tài chính, cụm kinh tế số, đầu tư những công trình biểu tượng, hay phát triển du lịch dịch vụ đẳng cấp cao…

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết
TS Cấn Văn Lực: TP. Đà Nẵng cần mở thêm quỹ đất mới, không gian phát triển mới- Ảnh 1.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, trong đó cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu TMTD đầu tiên của cả nước. Điều này được kỳ vọng là sẽ tạo động lực lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng phát triển.

Đầu tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng, trong đó có khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành. Đây là một trong những vị trí được xem xét để xây dựng khu TMTD.

Liên quan đến chủ trương xây dựng khu TMTD Đà Nẵng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Trong bối cảnh sự phát triển của Đà Nẵng đang chậm dần, cần tạo ra động lực mới. Nghị quyết 136 cho phép Đà Nẵng thí điểm xây dựng khu TMTD, cùng với đó Thủ tướng cũng đồng ý cho Đà Nẵng lấn biển tạo không gian phát triển mới. Ông có cho rằng đây là cơ hội để Đà Nẵng bứt phá vươn tầm quốc tế?

Thành phố Đà Nẵng có vị trí địa chính trị kinh tế và nhiều lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực; là một trong số ít địa phương có cả cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và nằm trên các tuyến đường huyết mạch của quốc gia… Đây là điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Việc được thí điểm xây dựng khu TMTD sẽ tạo động lực mạnh cho sự phát triển của Đà Nẵng. Tuy nhiên, động lực lớn đến đâu vẫn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thực thi của Đà Nẵng cùng sự đồng hành của các Bộ, ngành Trung Ương. Hiện Nhà nước quan tâm và cho Đà Nẵng rất nhiều cơ chế, chính sách. Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 136 là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với thành phố Đà Nẵng. Chính vì vậy, việc của Đà Nẵng là cần sớm triển khai ngay và phải quyết tâm triển khai thật tốt, hiệu quả.

Hiện các cấp, ngành của Trung ương và thành phố đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện đề án thí điểm khu TMTD Đà Nẵng để kịp trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024 theo yêu cầu. Khi khu TMTD được xây dựng sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển trung và dài hạn thế nào, thưa ông?

Khu TMTD được kỳ vọng tạo động lực phát triển, mở rộng quy mô kinh tế cho Đà Nẵng và tác động tới Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khi có khu TMTD sẽ góp phần thúc đẩy thương mại, ngoại thương của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, sức lan tỏa từ khu TMTD đến các lĩnh vực dịch vụ logistics, du lịch, công nghệ, giáo dục, đào tạo, tài chính – ngân hàng và kể cả chuyển đổi số là rất lớn.

Tôi cho rằng, một trong những vai trò quan trọng nữa của khu TMTD là góp phần tăng thu ngân sách cho Đà Nẵng. Bởi khi có khu TMTD đã thu hút được các nhà đầu tư lớn về Đà Nẵng, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm.

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương Đà Nẵng cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển. Thực tế trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia lấn biển phát triển thành công như Singapore, Dubai… Theo ông, lấn biển thành công sẽ mở ra không gian và cơ hội phát triển thế nào cho Đà Nẵng?

Từ 1/4/2024, quy định về hoạt động lấn biển tại Điều 190 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực (Nghị định 42/2023/NĐ-CP), đã chính thức tạo hành lang pháp lý cho phép lấn biển. Việc lấn biển sẽ tạo điều kiện tốt để các địa phương và TP. Đà Nẵng mở thêm quỹ đất mới, không gian phát triển mới, phát huy được hết tiềm năng, tạo ra ngày càng nhiều hơn công ăn việc làm cũng như động lực phát triển mới cho thành phố.

Trước mắt, với khu TMTD, việc của Đà Nẵng là phải sớm xong khâu quy hoạch, quỹ đất, GPMB và kể cả bồi thường đền bù tái định cư nếu có.

Cùng với đó phải nghĩ đến câu chuyện đảm bảo giao thông thuận lợi đi lại, kết nối cả trong và ngoài nước khi mở rộng lấn biển, phát triển khu TMTD. Chúng ta cũng phải tính đến việc giải quyết những thách thức hiện tại, sau đó mới tính đến những cơ hội mở ra tiếp theo.

Hiện nay có khá nhiều thách thức. Một là Đà Nẵng làm sao thực hiện cho thật tốt các cơ chế đặc thù mà Trung ương đã ban hành cho mình, rút kinh nghiệm từ một số địa phương thời gian qua. Thứ 2, Đà Nẵng cần sớm chủ động quỹ đất, cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, Quốc Hội bằng những cơ chế, chính sách cụ thể của Thành phố. Thứ 3 là nguồn nhân lực gắn với câu chuyện cơ sở hạ tầng. Khi có TMTD phải nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng số tương ứng.

Cuối cùng, khu TMTD cũng phải đảm bảo mức độ xanh hóa và bền vững. Vì vậy, câu chuyện liên quan đến sàng lọc nhà đầu tư, phát triển thương mại xanh, khu TMTD xanh… phải tính toán kỹ, thực hiện thật tốt.

Bên cạnh khu TMTD, việc tạo nên một khu vực lấn biển quy mô, tầm cỡ phục vụ phát triển đa chức năng theo ông sẽ giúp phát triển kinh tế Đà Nẵng thế nào?

Việc cho phép lấn biển là hướng mở để tạo dư địa, thúc đẩy phát triển và đa dạng hóa kinh tế Đà Nẵng. Tại đây, hoàn toàn có thể tích hợp đa chức năng như xây dựng trung tâm tài chính, cụm kinh tế số, đầu tư những công trình biểu tượng, hay phát triển du lịch dịch vụ đẳng cấp cao…. Trên thế giới việc lấn biển có từ rất lâu và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và nhà nước. Điển hình như Singapore đến nay 1/4 diện tích là nhờ lấn biển mà có. Sự phát triển thần kỳ của Dubai (UAE), Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có dấu ấn của các khu vực lấn biển, đảo nhân tạo,…

Mới đây, Đề án về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Ban cán sự Đảng Chính phủ trình, vừa được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương. Theo đó, Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện sẽ đặt tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng. Để phát triển Trung tâm tài chính thì cần có một hệ sinh thái mở và đồng bộ chứ không phải câu chuyện xây vài tòa nhà là xong, bởi vì rất nhiều giao dịch tài chính điện tử, tài chính số, xuyên biên giới…đã và đang diễn ra. Khi đó, cần phải tính đến những dịch vụ tài chính hiện đại, hạ tầng thanh toán, kết nối, hạ tầng logistics và nguồn nhân lực đi kèm.

Vì vậy, Đà Nẵng sẽ phải tính toán kỹ, đồng bộ đến tất cả những vấn đề này, trong đó cần xác định rõ sản phẩm – dịch vụ tài chính chính yếu mà Trung tâm tài chính này sẽ cung cấp (như Fintech, thanh toán, cho vay chuỗi cung ứng…). Nếu làm thành công khu TMTD, trung tâm tài chính khu vực, dự án lấn biển quy mô…, Đà Nẵng sẽ có thế và lực lớn để phá triển đột phá thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết "TS Cấn Văn Lực: TP. Đà Nẵng cần mở thêm quỹ đất mới, không gian phát triển mới" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.